I. Khái niệm góp vốn vào doanh nghiệp
Theo khoản 18 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2020, Góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty, bao gồm góp vốn để thành lập công ty hoặc góp thêm vốn điều lệ của công ty đã được thành lập.
+ Trong Công ty TNHH, Công ty hợp danh, vốn điều lệ phải góp là phần mà các thành viên cam kết góp hoặc đã góp.
+ Trong Công ty cổ phần, vốn điều lệ thể hiện ở số cổ phần mà cổ đông đó đã mua hoặc đăng kí mua.

II. Trình tự, thủ tục góp vốn vào doanh nghiệp
Theo quy định tại Luật doanh nghiệp, thủ tục góp vốn vào doanh nghiệp được tiến hành như sau:
Bước 1: Định giá tài sản
Theo điều 34, tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.Tài sản góp vốn không phải là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng phải được các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức thẩm định giá định giá và được thể hiện thành Đồng Việt Nam.
Nguyên tắc định giá như sau:
– Góp vốn khi thành lập doanh nghiệp: Tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp phải được các thành viên, cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc đồng thuận hoặc do một tổ chức thẩm định giá định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được trên 50% số thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận..
– Góp thêm khi doanh nghiệp đã thành lập: Tài sản góp vốn trong quá trình hoạt động do chủ sở hữu, Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần và người góp vốn thỏa thuận định giá hoặc do một tổ chức thẩm định giá định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được người góp vốn và chủ sở hữu, Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị chấp thuận.
Bước 2: Chuyển giao tài sản, đăng kí chuyển giao quyền sở hữu nếu có
Theo điều 35, thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và cổ đông công ty cổ phần phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty theo quy định sau đây:
– Đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đất thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty theo quy định của pháp luật. Việc chuyển quyền sở hữu, chuyển quyền sử dụng đất đối với tài sản góp vốn không phải chịu lệ phí trước bạ;
– Đối với tài sản không đăng ký quyền sở hữu, việc góp vốn phải được thực hiện bằng việc giao nhận tài sản góp vốn có xác nhận bằng biên bản, trừ trường hợp được thực hiện thông qua tài khoản.
Bước 3: Cấp giấy chứng nhận góp vốn, chứng nhận thành viên
Đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên: sau khi góp đủ vốn của mình vào công ty, thành viên được công ty cấp giấy chứng nhận phần vốn góp. Nếu bị mất, rách, cháy hoặc bị thiêu hủy dưới bất kỳ hình thức nào, thì thành viên được cấp lại giấy chứng nhận phần vốn góp và phải trả chi phí do công ty quy định.
Đối với công ty cổ phần: sau khi góp đủ vốn của mình vào công ty, công ty cấp cổ phiếu theo yêu cầu của cổ đông. Cổ phiếu có thể cấp dưới dạng chứng chỉ do công ty phát hành hoặc bút toán xác nhận quyền sở hữu một số cổ phần của công ty. Cổ phiếu phải đăng ký tại sổ đăng ký cổ đông của công ty cổ phần để xác lập quyền và nghĩa vụ cổ đông.
Đối với công ty TNHH một thành viên: việc góp vốn hoàn tất sau khi chủ sở hữu chuyển giao quyền sở hữu tài sản đăng ký góp vốn.
Đối với công ty hợp danh: không có quy định bắt buộc phải lâp sổ đăng ký thành viên mà chỉ có quy định về việc cấp Giấy chứng nhận phần góp cho thành viên hợp danh hoặc thành viên góp vốn đã hoàn tất việc góp vốn.
Trên đây là tư vấn của luatthanhmai về chủ đề Trình tự, thủ tục góp vốn vào doanh nghiệp. Nếu có thắc mắc hay vấn đề cần được tư vấn vui lòng liên hệ email: luathanhmai@gmail.com để được luật sư tư vấn hỗ trợ miễn phí.
Bài viết cùng chủ đề: