Mặt chủ quan củaTội giả mạo trong công tác
Lỗi của Tội giả mạo trong công tác
(Lỗi cố ý trực tiếp), tức là, người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra.
Động cơ Tội giả mạo trong công tác
Đối với tội phạm giả mạo trong công tác, động cơ phạm tội là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành, nếu người phạm tội có các hành vi khách quan nêu ở trên nhưng không vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác thì hành vi giả mạo trong công tác chưa cấu thành tội phạm.
Động cơ phạm tội là cái bên trong thuộc mặt chủ quan của tội phạm và người phạm tội không bao giờ thừa nhận nếu không có căn cứ. Tuy nhiên, việc xác định động cơ của người phạm tội không phải khó tới mức không xác định được. Ngay cả việc xác định lỗi của người phạm tội cũng là một việc khó, nhưng về lý luận, ý thức chủ quan của con người bao giờ cũng được thể hiện bằng những hành vi và các dấu hiệu khách quan.
Người phạm tội vì vụ lợi mà giả mạo trong công tác là vì lợi ích của bản thân mình hoặc của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình công tác. Ví dụ: Nguyễn Ngọc H là giám đốc Công ty xuất nhập khẩu, vì lợi ích của công ty mình, nên đã sửa chữa giấy phép nhập khẩu để nhập hàng tránh sự phát hiện của Hải quan.
Người phạm tội vì động cơ cá nhân khác là vì lợi ích của người khác mà người phạm tội quan tâm mà không vì lợi ích của cá nhân mình hoặc cơ quan, tổ chức mà mình là thành viên. Ví dụ: Vũ Hồng M là trưởng phòng thi hành án dân sự đã sửa chữa bản án có hiệu lực pháp luật theo hướng có lợi cho Đặng Xuân D là em vợ của M.
Chủ thể Tội giả mạo trong công tác
Trước hết, người phạm tội giả mạo trong công tác phải là người có chức vụ, quyền hạn nhất định. Phạm vi chức vụ, quyền hạn của người phạm tội giả mạo trong công tác cũng tương đối rộng.
Nếu người có chức vụ, quyền hạn lại lợi dụng chức vụ, quyền hạn tiếp tay cho người khác để sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; để làm hoặc cấp giấy tờ giả; để giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, thì tuỳ trường hợp cụ thể mà người lợi dụng chức vụ, quyền hạn bị tổ chức trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc tội tham ô.
Chủ thể của tội giả mạo trong công tác là chủ thể đặc biệt, tức là chỉ có những người có chức vụ, quyền hạn mới sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; cấp giấy tờ giả; giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn được. Nếu là người khác thì hành vi giả mạo trên lại cấu thành tội phạm khác chứ không phải là hành vi phạm tội giả mạo trong công tác. Tuy nhiên, khẳng định này chỉ đúng đối với trường hợp vụ án giả mạo trong công tác không có đồng phạm, còn trong vụ án có đồng phạm thì có thể có cả những người không có chức vụ, quyền hạn nhưng họ chỉ có thể là người tổ chức, người xúi dục, người giúp sức, còn người thực hành trong vụ án có đồng phạm, thì nhất thiết phải là người có chức vụ, quyền hạn.
Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giả mạo trong công tác thuộc trường hợp quy định tại khoản 2. khoản 3 và khoản 4 Tuy nhiên, đối với những người này họ chỉ có thể là đồng phạm trong vụ án với vai trò giúp sức, vì những người này chưa thể trở thành cán bộ, công chức. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giả mạo trong công tác thuộc trường hợp quy định tại khoản 1
Hành vi của Tội giả mạo trong công tác
Thủ đoạn : lợi dụng chức vụ quyền hạn.
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn, nếu họ không có chức vụ, quyền hạn đó thì họ khó có thể thực hiện việc giả mạo trong công tác; chức vụ, quyền hạn là điều kiện thuận lợi để người phạm tội thực hiện việc giả mạo. Hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn là dấu hiệu để phân biệt với một số tội phạm khác cũng có những hành vi khách quan như đói với tội phạm này như: tội sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận và các tài liệu của cơ quan, tổ chức (Điều 266); tội làm con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức (Điều 267), nhưng đối với các tội phạm này người phạm tội không lợi dụng chức vụ, quyền hạn.
Đối với tội giả mạo trong công tác, thủ đoạn lợi dụng chức vụ, quyền hạn còn là tiền đề để người phạm tội thực hiện một trong những hành vi khách quan. Theo điều văn của điều luật thì người phạm tội thực hiện một trong các hành vi khách quan sau đây:
– Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu.
Nội dung của hành vi này gồm hai hành vi: Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ và sửa chữa, làm sai lêch nội dung tài liệu.
Sửa chữa, làm sai nội dung giấy tờ là hành vi tẩy xoá, viết thêm, bỏ bớt hoặc bằng thủ đoạn khác làm cho nội dung giấy tờ đó không còn đúng với nội dung vốn có của nó. Sửa chữa, theo hướng tích cực thì sửa sai thành đúng, nhưng hành vi sửa chữa ở đây được hiểu là sửa đúng thành sai với động cơ xấu. hậu quả của việc sửa chữa là làm sai lệch nội dung giấy tờ đó, làm cho nội dung của giấy tờ đó không đúng với thực tế kách quan.
Giấy tờ là giấy có mang một nội dung nhất định và có một giá trị theo quy định như giấy phép, giấy chứng nhận, công văn… Nói chung, giấy tờ là đối tượng tác động của tội phạm này bao gồm các loại giấy mang tiêu đề nhất định và có giá trị nhất định căn cứ vào nội dung của loại giấy tờ đó, chứ không bao gồm tất cả các loại giấy tờ.
Giấy tờ bị sửa chữa bao gồm nhiều loại, nhưng chủ yếu là các loại văn bản do cơ quan, tổ chức ban hành có liên quan đến quyền và lợi ích của cá nhân, tập thể, cơ quan, tổ chức mà người phạm tội quan tâm. Ví dụ: Một chuyên viên của Bộ thương mại sửa chữa giấy phép nhập khẩu (quota) với số lượng từ 500 xe máy lên 5.000 xe máy cho một công ty; một cán bộ tổ chức sửa chữa năm sinh cho một cán bộ và đề nghị bổ nhiệm cán bộ này vào chức vụ nhất định; một cán bộ kiểm lâm đã sửa chữa biên bản thu giữ lâm sản để người vi phạm không bị xử lý…
Sửa chữa, làm sai lệch nội dung tài liệu là hành vi thêm, bớt hoặc bằng thủ đoạn khác làm cho nội dung của tài liệu đó không đúng với nội dung vốn có của nó, sửa đúng thành sai như đối với việc sửa chữa giấy tờ.
Tài liệu và giấy tờ, xết về một khía cạnh nào đó thì cũng như nhau, trong tài liệu có giấy tờ và ngược lại trong giấy tờ cũng có tài liệu, nhưng khi nói đến tài liệu là muốn nói đến nội dung của một loại giấy tờ như: một văn bản giúp cho việc tìm hiểu một vấn đề gì, tài liệu học tập, tài liệu tham khảo, thu thập tài liệu để viết luận văn tốt nghiệp… Tài liệu có thể tồn tại dưới dạng giấy tờ, nhưng cũng có thể tồn tại dưới các dạng khác như: trên mạng internet, băng ghi hình, băng ghi âm, có khi chỉ là một danh lam thắng cảnh, một khu di tích lich sử, một tấm bia. v.v… nhưng chỉ những tài liệu có liên quan đến hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn của người phạm tội bị sửa chữa mới là đối tượng tác động của tội phạm này.
– Làm, cấp giấy tờ giả
Nội dung của hành vi này cũng gồm hai hành vi khác nhau, đó là: làm giấy tờ giả và cấp giấy tờ giả.
Làm giấy tờ giả là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm ra một trong các giấy tờ mang tiêu đề nhất định và có giá trị nhất định, nhưng nội dung không đúng với thực tế khách quan. Giấy tờ giả là giấy tờ không có thật, tức là cơ quan Nhà nước không ban hành loại giấy tờ đó hoặc có ban hành nhưng nội dung không đúng với giấy tờ mà người phạm tội làm. Điều luật chỉ quy định làm giấy tờ giả, mà không quy định làm tài liệu giả, nên trong trường hợp người phạm tội có hành vi làm tài liệu giả thì cần phải xác định tài liệu đó có tồn tại ở dạng giấy tờ không, nếu không tồn tại ở dạng giấy tờ thì không phải là đối tượng tác động của tội phạm này.
Cấp giấy tờ giả là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để cấp giấy tờ cho cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân mà người phạm tội biết chắc đó là giấy tờ giả. Hành vi cấp giấy tờ giả cho người khác, có thể cũng là hành vi làm giấy tờ giả rồi cấp giấy đó cho người mà mình quan tâm, nhưng cũng có thể người phạm tội chỉ thực hiện việc cấp giấy tờ giả đó, còn việc làm ra nó lại do một người khác thực hiện. Thông thường, người làm ra giấy tờ giả cũng là người cấp giấy tờ giả đó. Tuy nhiên, cũng có trường hợp người làm và người cấp khác nhau. Ví dụ: Đô Ca Th là Thẩm phán, vụ án chưa xét xử đã yêu cầu Nguyễn Hữu Ch là Trưởng phòng nghiệp vụ cấp trích lục bản án cho Phạm Thị N nguyên đơn trong vụ án ly hôn, để N kịp xuất cảnh ra nước ngoài. Trong trường hợp này, Th là người làm giấy tờ giả, còn Ch là người cấp giấy tờ giả. Người cấp giấy tờ giả phải là người có quyền cấp giấy đó chứ không phải bằng hành động như: chuyển, đưa giấy tờ đó cho người khác.
– Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn
Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn là hành vi ký giả hoặc bằng những thủ đoạn khác như: in, photocopy… chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.
Hành vi giả mạo chữ ký của người giả mạo trong công tác có đặc điểm khác với hành vi giả mạo chữ ký quy định trong một số tội phạm khác ở chỗ: Người phạm tội giả mạo trong công tác lại chính là người có chức vụ, quyền hạn và lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để gải mạo chữ ký của người khác mà người này cũng là người có chức vụ, quyền hạn.
Vấn đề đặt ra là: Vì sao người chức vụ, quyền hạn lại phải giả mạo chữ ký của người khác, mà lại phải lợi dụng chức vụ, quyền hạn mới giả mạo được chữ ký của người khác ?
Trước hết người có chức vụ, quyền hạn phải giả mạo chữ ký của người khác là vì chữ ký của người phạm tội không có giá trị hoặc không phù hợp với hình thức và nội dung giấy tờ, tài liệu. Ví dụ: Quyết định thay đổi biện pháp tạm giam phải do Chánh án ký mới có giá trị, nhưng Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà, vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân đã ký giả chứ ký của Chánh án để trả tự do cho người đang bị tạm giam. Chánh phòng Uỷ ban nhân dân huyện lợi dụng chức vụ, quyền hạn để ký giả chữ ký của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện thu hồi đất của công dân.
Nói chung, người phạm tội khi giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn họ không cần phải lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vì việc giả mạo chữ ký của người khác thì ai cũng làm được không cần phải người có chức vụ, quyền hạn và lợi dụng chức vụ, quyền hạn mới làm được.
Tuy nhiên, nếu không phải là ký giả mà bằng thủ đoạn khác giả mạo chức ký của người có chức vụ, quyền hạn thì người phạm tội phải lợi dụng chức vụ, quyền hạn mới có thể giả mạo được. Hành vi giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn cũng là một trong những hành vi làm sai lệch nội dung giấy tờ, nhưng vì đây là hành vi giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn nên chỉ cần có hành vi giả mạo chữ ký là đã cấu thành tội phạm giả mạo trong công tác rồi.
Hậu quả của Tội giả mạo trong công tác
Cũng như hậu quả của các tội phạm khác, hậu quả của tội giả mạo trong công tác là những thiệt hại vật chất hoặc phi vật chất cho xã hội.
Hậu quả của hành vi giả mạo trong công tác không phải là dấu hiệu bắt buộc, tức là, dù hậu quả chưa xảy ra nhưng hành vi vẫn cấu thành tội phạm.
Bài viết cùng chủ đề:
Phân tích hành vi của Tội giả mạo trong công tác (Điều 359 BLHS)
Phân tích Tội lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi (Điều 358)
Trên đây là tư vấn của luatthanhmai về chủ đề Tội giả mạo trong công tác (Điều 359) – Phân tích chi tiết cấu thành tội phạm. Nếu có thắc mắc hay vấn đề cần được tư vấn vui lòng liên hệ email: luathanhmai@gmail.com để được luật sư tư vấn hỗ trợ miễn phí.