1. Quyền sở hữu trí tuệ là gì?
Quyền sở hữu trí tuệ là quyền hợp pháp của chủ sở hữu đối với tài sản trí tuệ như sản phẩm sáng tạo trí tuệ, sử dụng và chuyển giao các đối tượng của quyền tác giả, quyền liên quan và quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng. Như vậy, có thế nói, quyền sở hữu trí tuệ là tập hợp các quyền đối với tài sản vô hình là thành quả lao động sáng tạo hay uy tín kinh doanh của các chủ thể,được pháp luật quy định bảo hộ.
Từ khái niệm trên, có thể rút ra một số đặc điểm của quyền sở hữu trí tuệ như sau:
– Đối tượng được bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là các tác giả của các tác phẩm, tác giả của sáng chế, thiết kế kiểu dáng công nghiệp, chủ sở hữu của người sáng chế ra cây trồng mới.
– Cách thức bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là áp dụng các biện pháp khác nhau để xử lí hành vi xâm phạm tùy theo tính chất và mức độ xâm phạm.
– Chủ thể áp dụng biện pháp bảo vệ có thể là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc các cơ quan nhà nước. Các công ước quốc tế về quyền sở hữu trí tuệ cũng như pháp luật Việt Nam đều cho phép chủ thể quyền sở hữu trí tuệ tự bảo vệ hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ quyền sở hữu của mình.
2. Quyền sở hữu trí tuệ trong tư pháp quốc tế
Một trong những thay đổi quan trọng của phần thứ 5 BLDS năm 2015 là liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ. Bộ luật dân sự năm 2005, tại phần thứ 7 về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, có ba điều khoản liên quan đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ: Điều 774 (Quyền tác giả có yếu tố nước ngoài), Điều 775 (Quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng có yếu tố nước ngoài), Điều 776 (chuyển giao công nghệ có yếu tố nước ngoài). Cả ba quy định này đều không phải quy phạm pháp luật xung đột, không giải quyết vấn đề lựa chọn pháp luật áp dụng, vì vậy đã được đưa ra khỏi phần thứ 5 của Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài.
Điều 679 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền sở hữu trí tuệ như sau:“Quyền sở hữu trí tuệ được xác định theo pháp luật của nước nơi đối tượng quyền sở hữu trí tuệ được yêu cầu bảo hộ”
Với quy định này khi tổ chức, cá nhân nước ngoài có yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ( quyền tác giả, quyền liên quan đến yếu tố nước ngoài, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng) tại Việt Nam thì pháp luật được áp dụng là pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của pháp luật Việt Nam thì sẽ áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.
Với quy định trên, Bộ luật dân sự năm 2015 đã thừa nhận quan điểm có xung đột pháp luật trong quan hệ hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng và chuyển nhượng quyền sở hữu quyền sở hữu trí tuệ. Mặc dù không có quy định riêng biệt giải quyết xung đột pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, với quy định tại Điều 679 Bộ luật dân sự năm 2015 và các quy định pháp luật nội dung ở Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, có thể hiểu Việt Nam thiên về sử dụng hệ thuộc luật của nước nơi quyền sở hữu trí tuệ được yêu cầu bảo hộ (lex loci protectionis).
Có thể hiểu quy định này như sau: quyền sở hữu trí tuệ phát sinh trên cơ sở pháp luật của nước nào sẽ chỉ được bảo hộ ở nước đó. Phạm vi của quyền sở hữu trí tuệ chỉ được giới hạn trong phạm vi hiệu lực của pháp luật bảo vệ nó. Do vậy khi đối tượng sở hữu trí tuệ bị khai thác sử dụng bất hợp pháp tại lãnh thổ nơi pháp luật quốc gia bảo hộ quyền không có hiệu lực thì quyền sở hữu trí tuệ đối với đối tượng đó cũng không được bảo vệ. Đó là tính lãnh thổ đặc trưng của loại quyền này.
Bài viết cùng chủ đề:
Pháp nhân nước ngoài là gì? Cách xác định quốc tịch của pháp nhân
Giới thiệu các điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ trong tư pháp quốc tế
Trên đây là tư vấn của luatthanhmai về chủ đề Phân tích quyền sở hữu trí tuệ trong tư pháp quốc tế. Nếu có thắc mắc hay vấn đề cần được tư vấn vui lòng liên hệ email: luathanhmai@gmail.com để được luật sư tư vấn hỗ trợ miễn phí.