Bài viết phân tích quy phạm xung đột về sở hữu trí tuệ trong tư pháp quốc tế, quy định tại Bộ luật dân sự Việt Nam về giải quyết xung đột về sở hữu trí tuệ trong tư pháp quốc tế
1. Xung đột pháp luật là gì ?
Xung đột pháp luật là hiện tượng hai hay nhiều hệ thống pháp luật của các nước khác nhau cùng có thể được áp dụng để điều chỉnh một quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài.
Vấn đề mà tư pháp mà tư pháp quốc tế điều chỉnh vượt ra khỏi phạm vi lãnh thổ quốc gia, nó nảy sinh giữa các công dân, pháp nhân của quốc gia này với công dân, pháp nhân quốc gia khác chứ không đơn thuần là giữa các công dân, pháp nhân của một quốc gia với nhau. Vấn đề xung đột pháp luật không đặt ra trong quan hệ pháp luật hành chính, pháp luật hình sự vì không chỉ xuất phát từ sự bất bình đẳng giữa các chủ thể trong các mối quan hệ mà còn vì tính hiệu lực theo lãnh thổ rất nghiêm ngặt của luật hình sự, luật hành chính… không thừa nhận khả năng áp dụng pháp luật nước ngoài trong các quan hệ trên.

2. Quy phạm xung đột là gì ?
Trong tư pháp quốc tế, khi xuất hiện xung đột pháp luật tức là xuất hiện hiện tượng hai hay nhiều hệ thống pháp luật của các nước khác nhau cùng có thể tham gia điều chỉnh một quan hệ và không phải lúc nào các quan hệ này cũng được điều
chỉnh bằng các quy phạm thực chất, nên các cơ quan có thẩm quyền phải lựa chọn một trong số hai hay nhiều hệ thống pháp luật liên quan để điều chỉnh quan hệ đang xem xét. Tuy nhiên, sự lựa chọn này không phải do ngẫu nhiên mà phải trên cơ sở pháp luật quy định. Quy phạm xung đột chính là căn cứ pháp lí của sự lựa chọn này.
Quy phạm xung đột là quy phạm ấn định luật pháp nước nào cần áp dụng để điều chỉnh quan hệ pháp luật dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài trong một tình huống cụ thể. Quy phạm xung đột luôn mang tính chất “dẫn chiếu” nên tại khoản 1 Điều 668 BLDS năm 2015 quy định như sau: “Pháp luật được dẫn chiếu đến bao gồm quy định về xác định pháp luật áp dụng và quy định quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ dân sự, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này”. Pháp luật được dẫn chiếu đến bao gồm cả phần luật xung đột và phần luật thực định của hệ thống pháp luật được dẫn chiếu hay toàn bộ pháp luật của nước có liên quan.
3. Quy phạm xung đột về sở hữu trí tuệ trong tư pháp quốc tế
Tài sản trí tuệ là tài sản vô hình không có bản chất vật lý nên con người không thể nhận biết sự tồn tại của chúng bằng các giác quan. Chúng tồn tại dưới dạng thông tin, tri thức chứa đựng sự hiểu biết của con người. Như vậy, sự tồn tại của loại tài sản này được con người nhận biết qua trí óc, công cụ tính toán/ kiểm soát giá trị… và được chiếm hữu thông qua nhận thức, nhờ đó mà nội dung của tài sản trí tuệ cụ thể có thể được lan truyền. Tài sản trí tuệ được coi là tài sản bởi khả năng sinh lợi, khi được sử dụng, bán, chuyển giao, cho thuê… thì người kiểm soát nó được nhận lợi ích bằng tiền hoặc bằng tài sản khác.Với các đặc điểm khác biệt thì bảo hộ quyền này phải được quy định khác với các loại tài sản thông thường khác, nhất là trong phạm vi quốc tế. Quyền sở hữu trí tuệ phát sinh trên cơ sở pháp luật của nước nào sẽ chỉ được bảo hộ ở nước đó nên khi đối tượng sở hữu trí tuệ bị khai thác, sử dụng bất hợp pháp tại lãnh thổ nơi pháp luật quốc gia bảo hộ quyền không
có hiệu lực thì quyền này đối với đối tượng đó sẽ không được bảo vệ. Để có thể bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong phạm vi quốc tế thì các quốc gia phải ký kết các điều ước quốc tế thỏa thuận về trách nhiệm cùng nhau bảo vệ chủ sở hữu quyền, ngăn chặn sự vi phạm.
Trong lĩnh vực bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ luôn chỉ có duy nhất một hệ thống pháp luật là hệ thống pháp luật của nước nơi có yêu cầu bảo hộ được áp dụng, mà không có hai hệ thống pháp luật cùng có thể điều chỉnh quan hệ, nên không có xung đột pháp luật trong phạm vi này và quy phạm xung đột được xây dựng chỉ để khẳng định hệ thống pháp luật duy nhất đó phải được áp dụng.
Bài viết cùng chủ đề Quy phạm xung đột về sở hữu trí tuệ:
Phân biệt xung đột pháp luật và xung đột thẩm quyền trong tư pháp quốc tế
Quy phạm xung đột về hợp đồng trong tư pháp quốc tế
Trên đây là tư vấn của luatthanhmai về chủ đề Quy phạm xung đột về sở hữu trí tuệ trong tư pháp quốc tế. Nếu có thắc mắc hay vấn đề cần được tư vấn vui lòng liên hệ email: luathanhmai@gmail.com để được luật sư tư vấn hỗ trợ miễn phí.