Quy định về hoạt động của pháp nhân nước ngoài tại Việt Nam

Trong giai đoạn phát triển nền kinh tế thị trường, hội nhập với thế giới như hiện nay, số lượng pháp nhân nước ngoài tới Việt Nam ngày càng tăng và hoạt động trên hầu hết các lĩnh vực. Pháp nhân nước ngoài hoạt động tại Việt Nam chủ yếu dưới hai hình thức: Đầu tư kinh doanh tại Việt Nam hay Đặt văn phòng đại diện, chi nhánh để tiến hành hoặc xúc tiến các hoạt động thương mại tại Việt Nam.

1. Hoạt động đầu tư kinh doanh

   Theo quy định của Luật đầu tư 2014, pháp nhân nước ngoài muốn hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam phải được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp Giấy chứng nhận đăng kí đầu tư “Giấy chứng nhận đăng kí đầu tư là văn bản, bản điện tử ghi nhận thông tin đăng kí của nhà đầu tư về dự án đầu tư” (khoản 6 Điều 3). Pháp nhân nước ngoài có thể tiến hành các hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam theo các hình thức sau:

– Thành lập tổ chức kinh tế bao gồm thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và các tổ chức khác thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh (khoản 16 Điều 3 Luật đầu tư 2014)

– Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế

– Đầu tư theo hình thức hợp đồng, bao gồm:

+) Hợp đồng đầu tư theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng PPP): là hợp đồng được kí kết giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Điều 27 của Luật đầu tư (khoản 8 Điều 3 Luật đầu tư 2014)

+) Hợp đồng hợp tác kinh doanh (hợp đồng BCC) là hợp đồng được kí giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập tổ chức kinh tế (khoản 9 Điều 3 Luật đầu tư 2014)

+) Thực hiện dự án đầu tư: Dự án đầu tư là tập hợp đề xuất bỏ vốn trung hạn hoặc dài hạn để tiến hành các hoạt động đầu tư kinh doanh trên địa bàn cụ thể, trong khoảng thời gian xác định (khoản 2 Điều 3 Luật đầu tư 2014).

      Có thể thấy rằng, so với trước đây thì hiện nay, các hình thức đầu tư đã được mở rộng hơn rất nhiều và từ đó cho thấy một nền kinh tế phát triển hơn, năng động hơn. Khi đầu tư vào Việt Nam, pháp nhân nước ngoài có các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên như được Nhà nước Việt Nam áp dụng các biện pháp bảo đảm đầu tư,… Hiện nay, các quyền và nghĩa vụ cụ thể của pháp nhân nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực đầu tư được quy định cụ thể trong Luật đầu tư 2014. Trong một số lĩnh vực nhất định, để khuyến khích đầu tư nước ngoài, Luật đầu tư quy định một số quyền mà chỉ dành riêng cho nhà đầu tư nước ngoài.

Quy định về hoạt động của pháp nhân nước ngoài tại Việt Nam
Quy định về hoạt động của pháp nhân nước ngoài tại Việt Nam

2. Hoạt động đặt văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam

    Trong bối cảnh hiện nay có rất nhiều pháp nhân nước ngoài đặt văn phòng đại diện, lập chi nhánh tại Việt Nam để kí kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, dịch vụ,… với các cá nhân, tổ chức Việt Nam. Trường hợp pháp nhân nước ngoài muốn đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam thì có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam. Trong thời gian hoạt động ở Việt Nam, chi nhánh hoặc văn phòng đại diện của pháp nhân nước ngoài phải tôn trọng hiến pháp, pháp luật Việt Nam. Theo quy định của Luật thương mại 2005, văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân nước ngoài được thành lập tại Việt Nam để thực hiện hoặc xúc tiến các hoạt động thương mại sẽ có các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật Việt Nam. Pháp nhân nước ngoài phải chịu trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam về toàn bộ hoạt động của văn phòng đại diện, của chi nhánh do pháp nhân nước ngoài mở tại Việt Nam (khoản 3 Điều 16 Luật thương mại Việt Nam).

2.1. Văn phòng đại diện của pháp nhân nước ngoài tại Việt Nam

    Điều 7 Nghị định số 07/2016/NĐ-CP quy định về việc đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam. Theo đó, để được đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam, pháp nhân đó phải được Sở Công thương hoặc ban quản lí khu công nghiệp, khu chế xuất… của Việt Nam cấp phép. Điều kiện để cấp phép là pháp nhân đó phải được thành lập hoặc công nhận hợp pháp theo pháp luật của nước tham gia điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đã hoạt động không dưới 01 năm. Văn phòng đại diện của pháp nhân nước ngoài tại Việt Nam có các quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 17, Điều 18 của Luật thương mại Việt Nam.

2.2. Chi nhánh của pháp nhân nước ngoài tại Việt Nam

    Điều 7 Nghị định số 07/2016/NĐ-CP cũng quy định: để được đặt chi nhánh tại Việt Nam pháp nhân nước ngoài phải được Bộ Công thương của Việt Nam cấp phép. Điều kiện để cấp phép là pháp nhân đó phải được thành lập hoặc công nhận hợp pháp theo pháp luật của nước mà nước đó và Việt Nam cùng là thành viên của điều ước quốc tế, đã hoạt động không dưới 05 năm.

   Trong thời gian hoạt động tại Việt Nam, chi nhánh của pháp nhân nước ngoài có các quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 19, Điều 20 Luật thương mại 2005. Và tại Điều 23 Luật thương mại 2005 có quy định pháp nhân nước ngoài sẽ chấm dứt hoạt động tại Việt Nam trong các trường hợp sau:

– Hết thời hạn hoạt động ghi trong giấy phép;

– Theo đề nghị của pháp nhân và được cơ quan quản lí nhà nước có thẩm quyền chấp nhận;

– Theo quyết định của cơ quan quản lí nhà nước có thẩm quyền do vi phạm pháp luật và quy định của giấy phép;

– Pháp nhân bị tuyên bố phá sản;

– Pháp nhân nước ngoài chấm dứt hợp đồng theo quy định của pháp luật nước ngoài đối với hình thức văn phòng đại diện, chi nhánh và tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh với bên Việt Nam;

– Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

   Trước khi chấm dứt hoạt động tại Việt Nam, pháp nhân nước ngoài có nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ và các nghĩa vụ khác với Nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan tại Việt Nam. Pháp luật Việt Nam đã có các quy định tương đối toàn diện tạo cơ sở pháp lí để pháp nhân nước ngoài hoạt động thuận lợi, hiệu quả tại Việt Nam với nhiều hình thức khác nhau và các quy định đó là phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam cũng như phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Bài viết cùng chủ đề:

Hệ thuộc luật có mối liên hệ gắn bó nhất là gì?

Giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam

Trên đây là tư vấn của luatthanhmai về chủ đề Quy định về hoạt động của pháp nhân nước ngoài tại Việt Nam. Nếu có thắc mắc hay vấn đề cần được tư vấn vui lòng liên hệ email: luathanhmai@gmail.com để được luật sư tư vấn hỗ trợ miễn phí.

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *