Phân tích quy định pháp luật về giải thể doanh nghiệp
1. Khái niệm giải thể doanh nghiệp
Dưới góc độ pháp lý, khái niệm giải thể doanh nghiệp hiện nay chưa được quy định rõ tại bất kì văn bản quy phạm pháp luật nào. Tuy nhiên, trong các tài liệu nghiên cứu luật học, có rất nhiều nhà nghiên cứu đã đưa ra khái niệm giải thể doanh nghiệp.
Theo từ điển Luật học thì giải thể doang nghiệp là “ thủ tục chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp, với tư cách là một chủ thể kinh doanh bằng cách thanh lý tài sản của doanh nghiệp để trả cho các chủ nợ”. Theo giáo trình Luật Kinh tế Việt Nam của Viện Đại học mở Hà Nội thì:
“ Giải thể doanh nghiệp là một trong những thủ tục pháp lý dẫn đến sự chấm dứt tồn tại của doanh nghiệp”. Theo giáo trinh Pháp luật Kinh tế của trường Đại học Kinh tế Quốc dân thì: “ Giải thể doanh nghiệp được nhìn nhận là việc một doanh nghiệp chấm dứt hoạt động kinh doanh, không tiếp tục tồn tại trên thị trường với tư cách là một chủ thể kinh doanh”.
Từ đó có thể thấy, các nhà nghiên cứu luật hiểu về khái niệm giải thể doanh nghiệp tương đối đồng nhất khi xác định rằng giải thể doanh nghiệp là việc chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp với tư cách là một chủ thể kinh doanh. Từ những khái niệm trên, chúng ta có thể đi đến một kết luận chung nhất về khái niệm giải thể doanh nghiệp:
Giải thể doanh nghiệp được hiểu là quá trình dẫn đến việc chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác và doanh nghiệp không trong quá trình giải quyết tại tòa án hoặc cơ quan trọng tài.
2. Đặc điểm giải thể doanh nghiệp
Theo quy định của pháp luật hiện hành, giải thể doanh nghiệp có những đặc điểm cơ bản sau đây:
Một là, giải thể doanh nghiệp mang tính chất tự nguyện hoặc bắt buộc
Trường hợp tự nguyện giải thể bắt nguồn từ ý chí của chủ sở hữu hoặc của các chủ sở hữu doanh nghiệp, họ có quyền quyết định việc giải thể doanh nghiệp, đây là trường hợp mang tính chất hoàn toàn tự nguyện.
Bên cạnh đó, nếu doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện để tiếp tục kinh doanh hay vi phạm các quy định của pháp luật như nội dung kê khai trong hồ sơ đăng kí thành lập doanh nghiệp là giả mạo, doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động kinh doanh 1 năm mà không thông báo với cơ quan đăng kí kinh doanh và cơ quan thuế… ( theo điều 221 Luật Doanh nghiệp 2014 ) thì sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp, trường hợp này việc giải thể sẽ mang tính chất bắt buộc.
Hai là, hậu quả pháp lý của việc giải thể doanh nghiệp
Khi thực hiện việc giải thể doanh nghiệp, mọi hoạt động của doanh nghiệp đều bị chấm dứt, doanh nghiệp phải tiến hành thanh lý tài sản, thực hiện thanh toán các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính khác của doanh nghiệp, bước cuối cùng là xóa tên doanh nghiệp trong sổ đăng kí doanh nghiệp, điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đó sẽ không còn tồn tại trên thị trường kể từ thời điểm cơ quan đăng kí kinh doanh hoàn thành thủ tục xóa tên doanh nghiệp đó.
Ba là, giả thể doanh nghiệp là một thủ tục mang tính hành chính
Để chấm dứt sự tồn tại, doanh nghiệp phải tiến hành theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định, được tiến hành bởi các cơ quan hành chính như: chấm dứt hiệu lực của mã số thuế, nộp hồ sơ giải thể, các nghĩa vụ về thuế và tài chính… đây đều là những thủ tục được tiến hành tại cơ quan đăng kí kinh doanh, là cơ quan hành chính nhà nước.
Bốn là, giải thể doanh nghiệp phải đảm bảo thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính khác của doanh nghiệp và doanh nghiệp không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại tòa án hoặc cơ quan trọng tài.
Doanh nghiệp giải thể xuất phát từ nhiều lý do, có thể là do ý muốn chủ quan của chủ doanh nghiệp hoặc theo ý chí chủ quan của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhưng dù bất cứ lý do gì thì doanh nghiệp cũng phải đáp ứng đầy đủ những điều kiện trên. Đây cũng chính là đặc trưng của giải thể doanh nghiệp, nó cũng chính là tiêu chí để phân biệt giải thể doanh nghiệp với các hoạt động khác như: phá sản, tạm ngừng kinh doanh, chấm dứt hoạt động của chi nhánh…
Năm là, chế tài pháp lý đối với chủ doanh nghiệp và người chịu trách nhiệm quản lý, điều hành doanh nghiệp.
Giải thể không đặt ra vấn đề hạn chế, cấm đảm nhiệm chức vụ điều hành doanh nghiệp hoặc cấm thực hiện một số hoạt động kinh doanh đối với chủ doanh nghiệp và người chịu trách nhiệm quản lý và điều hành doanh nghiệp. Về quyền thành lập, quản lý và điều hành doanh nghiệp khác, chủ daonh nghiệp giải thể vẫn tiếp tục thực hiện được phép thành lập và quản lý một doanh nghiệp khác sau khi thực hiện xong những nghĩa vụ tài sản của mình.
3. Pháp luật về giải thể doanh nghiệp
3.1. Khái niệm
Nhằm tạo môi trường pháp lý bình đẳng, thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển và khắc phục sự không thống nhất giữa các loại hình doanh nghiệp, từ đó việc xây dựng các quy định về doanh nghiệp nói chung và giải thể doanh nghiệp nói riêng có ý nghĩa vô cùng quan trọng và cần thiết trong nền kinh tế thị trường như hiện nay.
Pháp luật về giải thể doanh nghiệp bao gồm tổng thể các quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành, điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình giải quyết việc giải thể doanh nghiệp.
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thì pháp luật về giải thể doanh nghiệp cũng đã có sự thay đổi để dần phù hợp hơn với yêu cầu quản lý và cơ chế thì trường hiện nay.
3.2. Những quy định của pháp luật về giải thể doanh nghiệp
Giải thể doanh nghiệp là việc chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp theo ý chí của doanh nghiệp hoặc cơ quan có thẩm quyền với điều kiện doanh nghiệp phải đảm bảo thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác. Hiện nay, quy định về giải thể doanh nghiệp được quy định chủ yếu ở trong Luật Doanh nghiệp 2014, có các nội dung chủ yếu sau:
Quy định về các trường hợp và điều kiện giải thể doanh nghiệp ( điều 201) quy định về trình tự, thủ tục giải thể doanh nghiệp( điều 202) quy định về giải thể doanh nghiệp trong trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp hoặc theo quyết định của Tòa án ( điều 203), quy định về hồ sơ giải thể doanh nghiệp ( điều 204), quy định các hoạt động bị cấm từ khi có quyết định giải thể ( điều 205) …
Ngoài ra, các quy định về giải thể doanh nghiệp còn được ghi nhận ở các văn bản pháp luật khác như Nghị định 78/2015/NĐ – CP về đăng kí doanh nghiệp, Nghị định 172/2013/ NĐ – CP về thành lập, tổ chức lại, giải thể công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là công ty con của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu…
Như vậy, nội dung pháp luật về giải thể doanh nghiệp ở Việt Nam tập trung ghi nhận những vấn đề quan trọng đó là: các trường hợp giải thể và điều kiện giải thể doanh nghiệp, cơ quan có thẩm quyền trong việc giải thể doanh nghiệp, trình tự, thủ tục giải thể doanh nghiệp, quy định đảm bảo quyền và lợi ích của các chủ thể có liên quan trong quá trình giải thể doanh nghiệp.
Bài viết cùng chủ đề:
Ảnh hưởng của thông tin đại chúng đến xây dựng pháp luật
Trên đây là tư vấn của luatthanhmai về chủ đề Phân tích quy định pháp luật về giải thể doanh nghiệp. Nếu có thắc mắc hay vấn đề cần được tư vấn vui lòng liên hệ email: luathanhmai@gmail.com để được luật sư tư vấn hỗ trợ miễn phí.