So sánh pháp luật Việt Nam và quy chế Rome về tội phạm chiến tranh

So sánh về Khái niệm tội phạm chiến tranh

Quy chế Rome

Điều 8 Quy chế Rome đã định nghĩa tội phạm chiến tranh gồm bốn nhóm chính.

Nhóm 1: Những hành vi vi phạm nghiêm trọng các Công ước Giơnevơ 1949 áp dụng cho các cuộc xung đột vũ trang mang tính quốc tế với điều kiện được thực hiện như một phần trong một kế hoạch hoặc chính sách hoặc như một phần của tội phạm này được thực hiện trên quy mô lớn (điểm a khoản 2 Điều 8).

Nhóm 2: Những hành vi khác vi phạm nghiêm trọng luật pháp và tập quán được áp dụng trong xung đột vũ trang có tính chất quốc tế (điểm b khoản 2 Điều 8). Ở nhóm này, các hành vi chủ yếu bắt nguồn từ Công ước La Hay 1907; Nghị định thư bổ sung I các Công ước Giơnevơ năm 1977. Tuy nhiên, Quy chế Rome cũng quy định một số điểm mới đó là thừa nhận các hành vi vi phạm về giới tính, tình dục, cưỡng bức nhập ngũ, tuyển mộ trẻ em dưới 15 tuổi vào quân ngũ và tấn công nhân viên làm công tác nhân đạo là tội ác chiến tranh.

Nhóm 3: Những hành vi vi phạm nghiêm trọng Điều 3 chung của các Công ước Giơnevơ ngày 12/8/1949 trong trường hợp xung đột vũ trang không mang tính chất quốc tế, cụ thể là bất kỳ hành vi nào được thực hiện nhằm vào những người không tham gia tích cực vào chiến sự, kể cả các binh sĩ đã hạ vũ khí và những người đã bị loại khỏi vòng chiến đấu do bị ốm, bị thương, bị giam giữ hay vì bất kỳ lý do nào khác (điểm c khoản 2 Điều 8).

Nhóm 4: Những hành vi khác vi phạm nghiêm trọng luật và tập quán áp dụng trong xung đột vũ trang không mang tính quốc tế, trong khuôn khổ pháp luật quốc tế (điểm e khoản 2 Điều 8). Cần lưu ý một điểm là những tội phạm này chỉ có thể xảy ra khi có xung đột vũ trang diễn ra trên lãnh thổ của một quốc gia giữa quân đội của quốc gia đó với các nhóm vũ trang có tổ chức hoặc giữa các nhóm này với nhau (điểm f khoản 2 Điều 8).

Bộ Luật Hình sự 2015

Điều 423 Bộ Luật Hình sự năm 2015 quy định: “Người nào trong thời kỳ chiến tranh mà ra lệnh hoặc trực tiếp tiến hành việc giết hại dân thường, người bị thương, tù binh, cướp phá tài sản, tàn phá các nơi dân cư, sử dụng các phương tiện hoặc phương pháp chiến tranh bị cấm hoặc thực hiện hành vi khác vi phạm nghiêm trọng pháp luật quốc tế hoặc các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia”

So sánh pháp luật Việt Nam và quy chế Rome về tội phạm chiến tranh
So sánh pháp luật Việt Nam và quy chế Rome về tội phạm chiến tranh

So sánh về Chủ thể của tội phạm chiến tranh

Quy chế Rome

Người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ 18 tuổi là tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo luật định tại Điều 26 Quy chế Tòa án hình sự quốc tế.

Bộ Luật Hình sự Việt Nam 2015

Theo quy định của Bộ Luật hình sự đây là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, do đó, tất cả công dân Việt Nam, người nước ngoài; người không có quốc tịch ở độ tuổi từ đủ 14 tuổi trở lên, có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, đều có thể là chủ thể của tội phạm này.

Như vậy có thể thấy quy định về chủ thể của BLHS VN 2015( từ đủ 14 tuổi trở lên) rộng hơn so với quy định của quy chế Rome( từ đủ 18 tuổi trở lên).

So sánh về Khách thể của tội phạm chiến tranh

Quy chế Rome

Do hành vi của bị cáo mà có sự thiệt hại (hoặc đe dọa gây thiệt hại) cho một trong các khách thể tương ứng nêu tại các điều luật trên.

Bộ Luật Hình sự Việt Nam 2015

Tội phạm xâm hại đến quyền tự do thân thể, xâm phạm sức khỏe, tính mạng tài sản của con người, xâm phạm đến trật tự an ninh, chính trị quốc gia, xâm hại đến các thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã kí kết hoặc tham gia.

So sánh về Mặt chủ quan của tội phạm chiến tranh

Cả quy chế Rome và BLHS 2015 đều quy định Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý

So sánh về Mặt khách quan của tội phạm chiến tranh

Quy chế Rome

Khi bị cáo thực hiện một trong các hành vi tương ứng, ví dụ :

Cố ý tàn sát.

Tra tấn hoặc đối xử vô nhân đạo, kể cả các thí nghiệm về sinh học.

Bắt cóc con tin.

Cố ý tấn công thường dân, cũng như các nhân viên dân sự không trực tiếp tham gia vào các hoạt động quân sự.

Cố ý tấn công các công trình dân sự, các công trình không phải là mục tiêu  quân sự…

 Bộ Luật Hình sự Việt Nam 2015

BLHS 2015 quy định những hành vi sau: 

Ra lệnh tiến hành giết hại dân thường, người bị thương, tù binh, cướp phá tài sản, tàn phá nơi dân cư.

Trực tiếp tiến hành giết hại dân thường, người bị thương, tù binh, cướp phá tài sản, tàn phá nơi dân cư.

Sử dụng các phương tiện hoặc phương pháp chiến tranh bị cấm.

Như vậy về mặt khách quan thì quy định của văn bản pháp luật quốc tế cũng như pháp luật Việt Nam có nét tương đồng tuy nhiên quy định của quy chế Rome có phần chi tiết và đầy đủ hơn.

So sánh về Hình phạt Tội phạm chiến tranh

a, Quy chế Rome

Điều 77 của quy chế quy định hình phạt, Tòa án có thể áp dụng một trong các hình phạt sau đây : phạt tù ( có thể không vượt quá 30 năm hoặc tù chung thân khi chứng minh được tính chất nghiêm trọng của tội phạm và hoàn cảnh cá nhân của người phạm tội) ; phạt tiền theo các tiêu chí được quy định tại Quy tắc về tố tụng và chứng cứ.

b, Bộ Luật Hình sự 2015

Người phạm tội này có thể bị phạt tù, từ mười năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình tùy theo từng trường hợp phạm tội cụ thể.

Như vậy, có thể thấy Quy chế Rome quy định hình phạt mang tính nhân đạo hơn so với pháp luật nước ta khi không quy định hình phạt tử hình.

Như vậy , quy định của pháp luật Việt Nam cơ bản đáp ứng yêu cầu đấu tranh chống tội phạm chiến tranh và khá tương thích với quy định của pháp luật hình sự quốc tế .

Bài viết cùng chủ đề:

Khái niệm buôn bán người theo quy định quốc tế

Phân biệt buôn bán người với đưa người di cư bất hợp pháp

Trên đây là tư vấn của luatthanhmai về chủ đề So sánh pháp luật VN và quy chế Rome về tội phạm chiến tranh. Nếu có thắc mắc hay vấn đề cần được tư vấn vui lòng liên hệ email: luathanhmai@gmail.com để được luật sư tư vấn hỗ trợ miễn phí.

5/5 - (2 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *