Cách xác định pháp luật áp dụng đối với hợp đồng có yếu tố nước ngoài

Bài viết phân tích và đánh giá Cách xác định pháp luật áp dụng đối với hợp đồng có yếu tố nước ngoài theo quy định của Việt Nam

1. Hợp đồng trong tư pháp quốc tế

Đối với hợp đồng trong tư pháp quốc tế, hiện tượng xung đột pháp luật về nội dung hợp đồng xảy ra khá phổ biến. Vì vậy, luật nào sẽ được áp dụng để xác định tính hợp pháp của hợp đồng sẽ được đặt ra. Về mặt lý luận, sẽ có nhiều hệ thuộc luật có thể được áp dụng, như: hệ thuộc luật nhân thân của các bên giao kết hợp đồng, hệ thuộc luật nơi giao kết hợp đồng, hệ thuộc luật nơi có tài sản, hệ thuộc luật tòa án,… Việc lựa chọn hệ thuộc nào được áp dụng chính là việc giải quyết xung đột pháp luật về nội dung hợp đồng.

Tuy nhiên, trên thực tế, không phải lúc nào các bên trong quan hệ hợp đồng cũng đều lựa chọn một hệ thuộc luật để giải quyết những xung đột pháp luật ấy, chính vì thế pháp luật nhiều nước sử dụng thêm hệ thuộc luật có mối quan hệ gắn bó nhất để giải quyết xung đột pháp luật xảy ra.

Cách xác định pháp luật áp dụng đối với hợp đồng có yếu tố nước ngoài
Cách xác định pháp luật áp dụng đối với hợp đồng có yếu tố nước ngoài

2. Cách xác định pháp luật áp dụng đối với hợp đồng có yếu tố nước ngoài

Không còn giống như Bộ luật Dân sự năm 2005, Điều 683 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung các quy định chi tiết về hợp đồng theo hướng thuận lợi hơn, không ràng buộc việc áp dụng pháp luật trong quan hệ hợp đồng như trước đó nữa. Các bên trong quan hệ hợp đồng được thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng đối với hợp đồng trừ trường hợp đối tượng hợp đồng là bất động sản hoặc đó là hợp đồng lao động hoặc các bên thỏa thuận thay đổi luật áp dụng. Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã không sử dụn

g tiêu chí “nơi thực hiện hợp đồng” mà thay vào đó là tiêu chí “mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng” để xác định pháp luật áp dụng cho hợp đồng.

Quy định này được coi là tiến bộ hơn so với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005, nhưng nó cũng đặt ra một số vấn đề về áp dụng trong thực tiễn. Tư pháp quốc tế của nhiều nước cũng có quy định về xác định pháp luật áp dụng dựa trên tiêu chí “mối liên hệ gắn bó nhất” nhưng không định nghĩa thế nào là “mối liên hệ gắn bó nhất” mà trao cho thẩm phán quyền xác định dựa vào các hoàn cảnh thực tế của vụ việc cần giải quyết. Trước yêu cầu về sự rõ ràng và dễ áp dụng của luật, Việt Nam đã chọn cách liệt kê mối liên hệ gắn bó nhất trong một số hợp đồng cụ thể. Cách làm này giống với phương pháp được châu Âu áp dụng khi xây dựng Nghị định Rome năm 2008 về luật áp dụng cho nghĩa vụ hợp đồng. Tuy nhiên, nếu như khoản 1 Điều 4 của Nghị định này liệt kê 8 loại hợp đồng cụ thể, sau đó có một loạt các quy định chuyên biệt cho các loại hợp đồng chuyên biệt khác, thì khoản 2 Điều 683 BLDS 2015 của Việt Nam lại chỉ liệt kê 5 trường hợp, theo đó, pháp luật của nước có mối quan hệ gắn bó nhất là:

– Trong hợp đồng mua bán thì pháp luật được coi là gắn bó nhất với hợp đồng là pháp luật của nước nơi người bán cư trú nếu là cá nhân hoặc nơi thành lập nếu là pháp nhân.

– Đối với hợp đồng dịch vụ thì pháp luật được coi là gắn bó nhất với hợp đồng là pháp luật của nước nơi người cung cấp dịch vụ cư trú nếu là cá nhân hoặc nơi thành lập nếu là pháp nhân đối với hợp đồng dịch vụ.

– Đối với hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng hoặc chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ thì pháp luật được coi là gắn bó nhất với hợp đồng là pháp luật của nước nơi người nhận quyền cư trú nếu là cá nhân hoặc nơi thành lập nếu là pháp nhân nhận quyền.

– Đối với hợp đồng lao động, pháp luật được coi là gắn bó nhất với hợp đồng là pháp luật của nước nơi người lao động thường xuyên thực hiện công việc. Nếu người lao động thường xuyên thực hiện công việc tại nhiều nước khác nhau hoặc không xác định được nơi người lao động thường xuyên thực hiện công việc thì pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng lao động là pháp luật của nước nơi người sử dụng lao động cư trú đối với cá nhân hoặc thành lập đối với pháp nhân. Quy định này sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc chọn luật khi có tranh chấp về hợp đồng lao động xảy ra.

– Đối với hợp đồng tiêu dùng, pháp luật được coi là gắn bó nhất với hợp đồng là pháp luật của nước nơi người tiêu dùng cư trú. Quy định này cũng là quy định lần đầu tiên được ghi nhận trong Bộ luật Dân sự năm 2015. Lựa chọn pháp luật nơi cư trú của người tiêu dùng là hệ thống pháp luật gắn bó nhất để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, đồng thời tạo thuận lợi cho cơ quan giải quyết tranh chấp trong việc thực hiện các hành vi tố tụng cần thiết, và giúp tăng trách nhiệm và ý thức tôn trọng người tiêu dùng của bên cung cấp hàng hóa, dịch vụ.

Tuy nhiên, trong trường hợp chứng minh được pháp luật của nước khác với pháp luật được nêu tại Khoản 2 Điều 683 Bộ luật Dân sự có mối liên hệ gắn bó hơn với hợp đồng thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước đó (khoản 3 Điều 683).

Các quy định này có ưu điểm là rõ ràng, dễ áp dụng cho các hợp đồng chuyên biệt; tuy nhiên cũng có nhược điểm là không đầy đủ, bao quát được tất cả các trường hợp dẫn đến việc khó áp dụng cho các hợp đồng phức tạp có bản chất hỗn hợp. Ngoài ra, điểm đ khoản 2 Điều 683 còn có nhược điểm là chỉ quy định duy nhất một dấu hiệu để xác định nơi có mối liên hệ gắn bó nhất, đó là nơi cư trú. Nếu không xác định được nơi người tiêu dùng cư trú thì pháp luật của nước nào sẽ được áp dụng?

Trước sự chưa rõ ràng của những quy định về việc áp dụng pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất, các bên trong hợp đồng nên thực hiện quyền lựa chọn pháp luật áp dụng cho hợp đồng của mình, đặc biệt khi hợp đồng phức tạp có bản chất hỗn hợp.

Bài viết cùng chủ đề:

Phân tích quy phạm xung đột về hợp đồng theo pháp luật Việt Nam

Hệ thuộc luật có mối liên hệ gắn bó nhất là gì ?

Trên đây là tư vấn của luatthanhmai về chủ đề Xác định luật áp dụng đối với hợp đồng có yếu tố nước ngoài. Nếu có thắc mắc hay vấn đề cần được tư vấn vui lòng liên hệ email: luathanhmai@gmail.com để được luật sư tư vấn hỗ trợ miễn phí.

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *