Bài viết hướng dẫn Phân biệt xung đột pháp luật và xung đột thẩm quyền trong tư pháp quốc tế.
1. Khác nhau về khái niệm giữa xung đột pháp luật và xung đột thẩm quyền
Xung đột luật: Mỗi quốc gia trên thế giới có một hệ thống pháp luật riêng của mình. Các hệ thống pháp luật đó khác nhau và có thể trái ngược nhau hoàn toàn. Xung đột luật xảy ra khi hai hay nhiều hệ thống pháp luật của các nước khác nhau cùng có thể được áp dụng để điều chỉnh mối quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài (quan hệ tư pháp quốc tế).
Xung đột thẩm quyền: thẩm quyền xét xử dân sự quốc tế là thuật ngữ mang tính ước lệ. Trong tư pháp quốc tế, khi có một vụ việc dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài thì đồng thời cũng làm phát sinh tình trạng có hai hoặc nhiều cơ quan tư pháp của các nước khác nhau có thẩm quyền giải quyết vụ việc. Do đó, xung đột thẩm quyền được hiểu là hiện tượng khi một vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài phát sinh Tòa án của hai hay nhiều nhà nước khác nhau đều có thẩm quyền giải quyết vụ việc đó.
2. Khác nhau về bản chất giữa xung đột pháp luật và xung đột thẩm quyền
Xung đột luật: bản chất là phải tìm ra được hệ thống pháp luật áp dụng cho một quan hệ quốc tế cụ thể phát sinh trong lĩnh vực dân sự, kinh tế, lao động,…
Xung đột thẩm quyền: bản chất là vấn đề chọn các quy phạm xác định thẩm quyền xét xử dân sự quốc tế các vụ việc tư pháp quốc tế cụ thể, để làm rõ Tòa án nước nào có thẩm quyền thực tế giải quyết thực chất vụ việc tư pháp quốc tế cụ thể.

3. Khác nhau về nguyên nhân giữa xung đột pháp luật và xung đột thẩm quyền
Xung đột luật: nguyên nhân khách quan do pháp luật của các nước có sự khác nhau: Pháp luật do nhà nước xây dựng nên, phù hợp với các điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội,… của nước mình. Do đối tượng điều chỉnh có sự hiện diện của
yếu tố nước ngoài. Mà các hệ thống pháp luật là bình đẳng với nhau nên các hệ thống pháp luật đó đều có thể được áp dụng để điều chỉnh một quan hệ, khi đó xung đột pháp luật nảy sinh; Nguyên nhân chủ quan : có sự thừa nhận khả năng áp dụng pháp luật nước ngoài của nhà nước. Do đặc trưng của quan hệ dân sự không quá nghiêm trọng mà các quốc gia đều thừa nhận có khả năng có thể áp dụng pháp luật nước ngoài với những điều kiện nhất định.
Xung đột thẩm quyền: việc xác định thẩm quyền của tòa án là vấn đề thuộc chủ quyền của mỗi quốc gia. Mỗi quốc gia xây dựng các quy phạm xác định thẩm quyền cho hệ thống tòa án của nước mình và không có thẩm quyền tuyên bố về thẩm quyền tài phán của hệ thống tòa án các nước khác trong một vụ việc; Không có quy trình thủ tục tố tụng dân sự quốc tế; Nguyên tắc mở rộng thẩm quyền theo các dấu hiệu chung giống nhau
4. Khác nhau về phạm vi có xung đột giữa xung đột pháp luật và xung đột thẩm quyền
Xung đột luật: nảy sinh trong hầu hết các quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài, trừ một số trường hợp đặc biệt như quan hệ về sở hữu trí tuệ với đặc điểm nổi bật là tính vô hình của tài sản, do vậy đối với các quan hệ này không có xung đột pháp luật
Xung đột thẩm quyền: nảy sinh trong quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền xét xử của tòa án. Các tranh chấp trong lĩnh vực tư pháp quốc tế giữa các thể nhân, pháp nhân các nước.
5. Về trình tự xác định
Việc giải quyết xung đột thẩm quyền phải được diễn ra trước, nghĩa là phải trả lời được câu hỏi về thẩm quyền, xác định được chủ thể có thẩm quyền giải quyết vụ việc.
Việc giải quyết xung đột pháp luật diễn ra sau, khi xác định được chủ thể có quyền giải quyết vụ việc thì mới có thể giải quyết được về xung đột pháp luật tức là hệ thống pháp luật nào được áp dụng cho một quan hệ quốc tế cụ thể.
6. Về vị trí
– Xung đột pháp luật quy định trong luật nội dung, cụ thể có thể các quy định trong Luật đầu tư 2014, Luật nhà ở 2014, Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014, Bộ luật Dân sự 2015,…
Xung đột thẩm quyền quy định trong luật hình thức như Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015
7. Về cách giải quyết
Xung đột luật: căn cứ vào các quy định của pháp luật cũng như thực tiễn thi hành xung đột pháp luật được giải quyết bằng các phương pháp sau: phương pháp thực chất – xây dựng và áp dụng các quy phạm thực chất; phương pháp xung đột – xây dựng và áp dụng các quy phạm xung đột; áp dụng tập quán quốc tế hoặc “pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội tương tự”;
Xung đột thẩm quyền: đó là dựa vào các quy phạm thực chất, xác định cụ thể thẩm quyền xét xử dân sự quốc tế hoặc bằng cách vận dụng các quy phạm xung đột về thẩm quyền được ghi nhận trong văn bản pháp luật quốc gia hoặc ĐƯQT.
Bài viết cùng chủ đề:
Quy phạm xung đột về thẩm quyền theo pháp luật Việt Nam
Phân tích nguyên nhân dẫn đến hiện tượng xung đột pháp luật
Trên đây là tư vấn của luatthanhmai về chủ đề Phân biệt xung đột pháp luật và xung đột thẩm quyền (chi tiết). Nếu có thắc mắc hay vấn đề cần được tư vấn vui lòng liên hệ email: luathanhmai@gmail.com để được luật sư tư vấn hỗ trợ miễn phí.