Bài viết phân tích Một số hạn chế trong quyền lựa chọn luật áp dụng quy định tại BLDS 2015
1. Một số hạn chế trong quyền lựa chọn luật áp dụng được quy định tại BLDS năm 2015
Thứ nhất, các bên chưa có quyền lựa chọn luật áp dụng cho một phần của hợp đồng. Thực tiễn cho thấy có những hợp đồng có yếu tố nước ngoài , như hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, có nội dung rất dài và bao gồm nhiều vấn đề khác nhau. Chính vì vậy, đôi khi phát sinh nhu cầu thực tế là các bên cần thỏa thuận chọn nhiều hệ thống pháp luật và một hệ thống pháp luật chỉ áp dụng điều chỉnh một phần của hợp đồng. Thậm chí ngay cả khi thỏa thuận chọn luật áp dụng cho toàn bộ hợp đồng vẫn có trường hợp các bên lựa chọn nhiều luật áp dụng cho hợp đồng để phòng ngừa tình huống một hệ thống pháp luật không điều chỉnh hết các vấn đề của hợp đồng. BLDS năm 2015 không có quy định về vấn đề này, nhưng một số văn bản pháp luật chuyên ngành lại quy định hợp đồng có thể được chi phối bởi hai hay nhiều hệ thống pháp luật khác nhau. Ví dụ, khoản 1 Điều 17 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, năm 2006 có quy định : “Hợp đồng cung ứng lao động phải phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước tiếp nhận lao động…”. Như vậy, Hợp đồng cung ứng lao động đồng thời chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận lao động.

Thứ hai, nếu các bên có thỏa thuận lựa chọn một hệ thống pháp luật không có mối quan hệ thực chất với hợp đồng, chẳng hạn, trong hợp đồng giữa một doanh nghiệp Việt Nam và một doanh nghiệp Đan Mạch, các bên có thỏa thuận: Trong trường hợp nếu hợp đồng không chỉ rõ thì luật thực chất của Pháp sẽ điều chỉnh thì sẽ lựa chọn luật điều chỉnh là nước nào? Thực tế cho thấy, cũng không ít trường hợp, các bên lựa chọn một hệ thống pháp luật không có liên quan gì đến hợp đồng.Về vấn đề này, theo quy định tại Điều 683 BLDS năm 2015, trường hợp các bên không có thỏa thuận về pháp luật áp dụng thì pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng đó được áp dụng. Tham khảo pháp luật các nước cho thấy, có nhiều cách giải quyết khác nhau. Pháp luật Mỹ yêu cầu luật được lựa chọn phải có mối quan hệ thực chất với hợp đồng, trong khi Điều 2 Công ước Rome và Điều 2 Quy tắc Rome I không đòi hỏi một mối liên hệ thực chất hay liên hệ khác với luật được lựa chọn. Quan điểm này cũng được một số nhà nghiên cứu pháp luật Việt Nam thừa nhận. vì mấy lý do sau:
- Đảm bảo tôn trọng tối đa quyền tự thỏa thuận của các bên, đây là một trong những nguyên tắc cơ bản của hợp đồng;
- Việc cho thỏa thuận lựa chọn pháp luật của nước thứ ba như một giải pháp trung gian sẽ giúp cho các bên thực hiện hợp đồng dễ dàng hơn trong trường hợp bên Việt Nam không muốn áp dụng luật của bên nước ngoài và bên nước ngoài không muốn áp dụng luật Việt Nam;
- Phù hợp với nguyên tắc các bên được quyền thỏa thuận lựa chọn nhiều hệ thống pháp luật áp dụng cho một quan hệ hợp đồng như đã phân tích ở trên; – Phù hợp với thông lệ quốc tế khi các bên còn được phép thỏa thuận lựa chọn tập quán thương mại quốc tế hay những nguyên tắc của hợp đồng thương mại quốc tế đã được thừa nhận rộng rãi (Ví dụ: Bộ nguyên tắc của Unidroit về hợp đồng thương mại quốc tế).
Thực tiễn hoạt động thương mại quốc tế cũng cho thấy, các bên thường có xu hướng lựa chọn một hệ thống pháp luật không có mối liên hệ thực chất với hợp đồng hoặc lựa chọn tập quán thương mại quốc tế để điều chỉnh quan hệ hợp đồng.
Thứ ba, thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng giải quyết bồi thường thiệt hại phát sinh có yếu tố nước ngoài, tại thời điểm nào được chấp nhận? Trược khi thiệt hại xảy ra hay sau khi có thiệt hại xảy ra trên thực tế? Nghiên cứu nội dung quy định này trong Luật TPQT của Trung Quốc, mà theo đó, Điều 44 Luật này: “Nếu các bên đã lựa chọn theo thỏa thuận pháp luật điều chỉnh sau khi có hành vi trái pháp luật, thỏa thuận này được áp dụng”. Tương tự như vậy, Liên minh châu Âu cũng có quy định về xung đột pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo hướng ghi nhận quyền lựa chọn pháp luật cho các bên. Cụ thể, tại khoản 1 Điều 14 Nghị định số 864/2007, quy định các bên có thể lựa chọn pháp luật điều chỉnh nghĩa vụ ngoài hợp đồng bằng một thỏa thuận sau khi xảy ra sự kiện gây thiệt hại.
2. Một số kiến nghị liên quan đến hệ thuộc luật do các bên lựa chọn trong tư pháp quốc tế Việt Nam
Thứ nhất, cơ quan nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu ban hành văn bản thống nhất áp dụng nội dung quyền lựa chọn luật áp dụng trong một hợp đồng, theo hướng các bên được chọn luật áp dụng cho một phần hoặc toàn bộ hợp đồng và quyền được lựa chọn nhiều hệ thống pháp luật khác nhau áp dụng cho một quan hệ hợp đồng có yếu tố nước ngoài.
Thứ hai, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần hướng dẫn quy định áp dụng luật trong các quan hệ hợp đồng có yếu tố nước ngoài theo hướng chấp nhận các bên được quyền lựa chọn một hệ thống pháp luật không có mối liên hệ thực chất với hợp đồng để điều chỉnh hợp đồng.
Thứ ba, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần ban hành văn bản hướng dẫn thống nhất nhận thức và áp dụng theo hướng, ghi nhận thời điểm lựa chọn pháp luật, chỉ chấp nhận cho các bên lựa chọn pháp luật sau khi có sự kiện gây thiệt hại, điều này phù hợp với pháp luật các nước, không chấp nhận thỏa thuận nói chung và thỏa thuận lựa chọn pháp luật khi chưa có sự kiện gây thiệt hại xảy ra.
Bài viết cùng chủ đề Hạn chế trong quyền lựa chọn luật áp dụng quy định tại BLDS :
Đối tượng điều chỉnh của tư pháp quốc tế (phân tích chi tiết)
Công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của trọng tài nước ngoài
Giải quyết xung đột pháp luật về hợp đồng có yếu tố nước ngoài
Trên đây là tư vấn của luatthanhmai về chủ đề Hạn chế trong quyền lựa chọn luật áp dụng quy định tại BLDS. Nếu có thắc mắc hay vấn đề cần được tư vấn vui lòng liên hệ email: luathanhmai@gmail.com để được luật sư tư vấn hỗ trợ miễn phí.