Doanh nghiệp khi thực hiện hoạt động đưa người lao động ra nước ngoài làm việc thì cần được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép (còn gọi là giấy phép xuất khẩu lao động). Điều kiện xin cấp giấy phép xuất khẩu lao động rất khắt khe dẫn tới các doanh nghiệp có nhu cầu xin giấy phép gặp nhiều khó khăn, có nhiều thắc mắc. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ hướng dẫn các doanh nghiệp về “Điều kiện cấp Giấy phép xuất khẩu lao động”
1. Tư cách pháp lý và vốn pháp định doanh nghiệp xin giấy phép xuất khẩu lao động
– Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (sau đây gọi là doanh nghiệp dịch vụ) là công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần và công ty hợp danh được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, đáp ứng các điều kiện sau đây về vốn:
+ Vốn pháp định không thấp hơn 5.000.000.000 đồng (năm tỷ Việt Nam đồng);
+ Có chủ sở hữu, tất cả các thành viên, cổ đông là nhà đầu tư trong nước theo quy định của Luật Đầu tư;
– Ngành nghề kinh doanh mà doanh nghiệp đăng ký là ngành nghề đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
– Doanh nghiệp phải trực tiếp tổ chức hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
2. Đề án hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài
Doanh nghiệp cần xây dựng đề án hoạt động đưa người lao động đi làm ở nước ngoài. Đề án phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và nước tiếp nhận lao động, phải thể hiện được năng lực tài chính, cơ sở vật của doanh nghiệp, đội ngũ cán bộ có trình độ, kỹ năng, kinh nghiệm trong việc thực hiện hoạt động đưa người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng. Do đó đề án hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cần có các nội dung sau:
– Thông tin cơ bản về doanh nghiệp
– Dự kiến thị trường đưa người lao động đến là việc ở nước ngoài
– Phương án tổ chức bộ máy hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
– Phương án thực hiện hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
– Phương án tài chính để thực hiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

3. Bộ máy chuyên trách doanh nghiệp xin giấy phép xuất khẩu lao động
Bộ máy chuyên trách để bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài và hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của doanh nghiệp dịch vụ bao gồm: – Trung tâm bồi dưỡng kiến thức cho người lao động – Các phòng nghiệp vụ thực hiện hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài – Trung tâm bồi dưỡng kiến thức cần thiết và các phòng nghiệp vụ phải đảm bảo số lượng nhân viên nghiệp vụ để thực hiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
4. Nhân viên nghiệp vụ và người lãnh đạo điều hành
Nhân viên nghiệp vụ tại phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
– Ký hợp đồng lao động xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn với doanh nghiệp dịch vụ;
– Không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành bản án hình sự của tòa án, không trong thời hạn cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc công việc;
– Trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên;
– Nhân viên nghiệp vụ khai thác thị trường ngoài nước, tuyển chọn lao động, quản lý lao động làm việc ở nước ngoài và bồi dưỡng kiến thức cần thiết phải tốt nghiệp một trong các chuyên ngành luật, kinh tế/quản trị kinh doanh, ngoại ngữ và có ít nhất 01 năm làm việc trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Người lãnh đạo điều hành: Là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, đáp ứng điều kiện trong việc chuẩn bị nguồn lao động và tuyển chọn người lao động, không thuộc trường hợp trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành bản án hình sự của tòa án, không trong thời hạn cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc công việc.
5. Cơ sở vật chất của doanh nghiệp xuất khẩu lao động
Cơ sở vật chất để tổ chức bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động thuộc sở hữu của doanh nghiệp dịch vụ hoặc được doanh nghiệp dịch vụ thuê ổn định theo hợp đồng phù hợp với quy định của pháp luật và phải đáp ứng điều kiện tối thiểu về phòng học, phòng ở. Có diện tích và có trang thiết bị cơ bản bảo đảm phục vụ học tập và sinh hoạt nội trú.
6. Tiền ký quỹ của doanh nghiệp thực hiện xuất khẩu lao động
Điều kiện về ký quỹ khi xin giấy phép xuất khẩu lao động: Doanh nghiệp thực hiện ký quỹ 2.000.000.000 đồng (Hai tỷ đồng) tại một ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam (ngân hàng nhận ký quỹ)
7. Trang thông tin điện tử
Theo quy định tại Điều 10 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài 2022 thì doanh nghiệp xin cấp giấy phép xuất khẩu lao động thì cần phải có trang thông tin điện tử.