Khái niệm công ty hợp danh
Theo điều 177 Luật doanh nghiệp 2020, công ty hợp danh là doanh nghiệp, trong đó:
– Phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (sau đây gọi là thành viên hợp danh). Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn;
– Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty;
– Thành viên góp vốn là tổ chức, cá nhân và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty.
Đặc điểm pháp lý của công ty hợp danh
Từ khái niệm công ty hợp danh trên có thể thấy công ty hợp danh có những đặc trưng cơ bản sau đây:
Thứ nhất, về thành viên công ty hợp danh: Công ty hợp danh có thể có hai loại thành viên:
– Thành viên hợp danh: phải là cá nhân, có ít nhất 02 người
– Thành viên góp vốn: có thể là tổ chức hoặc cá nhân, không giới hạn số lượng.
Thứ hai, về chế độ chịu trách nhiệm tài sản của thành viên công ty hợp danh: Công ty hợp danh có hai loại thành viên với hai chế độ trách nhiệm khác nhau. Cụ thể:
– Thành viên hợp danh liên đới chịu trách nhiệm về mọi khoản nợ, nghĩa vụ tài chính của công ty. Trách nhiệm vô hạn với mọi khoản nợ của thành viên thể hiện: thành viên hợp danh không chỉ chịu trách nhiệm bằng số tài sản bỏ vào kinh doanh, mà phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của mình đối với mọi khoản nợ của công ty. Tuy nhiên tài sản công ty và tài sản thành viên hợp danh có sự độc lập và tách biệt.
– Thành viên góp vốn chịu trách nhiệm trong phạm vi phần vốn góp của mình.
Thứ ba, về vốn của công ty hợp danh: vốn điều lệ là khoản tiền, tài sản…mà thành viên góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty. Đến hạn mà thành viên hợp danh không góp đủ thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, còn thành viên góp vốn sẽ bị ghi nợ.
Thứ tư, về huy động vốn của công ty hợp danh: Công ty hợp danh Không được phát hành bất kì loại chứng khoán nào để công khai huy động vốn trong công chúng, Khi có nhu cầu tăng vốn điều lệ, công ty sẽ huy động bằng cacsg kết nạp thêm thành viên, tăng phần vốn góp của các thành viên hoặc tăng giá trị tài sản công ti hoặc đi vay
Thứ năm, về chuyển nhượng phần vốn góp: các thành viên hợp danh và góp vốn có quyền tự do chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho các thành viên hợp danh và góp vốn còn lại trong công ti. Nếu chuyển nhượng cho người ngoài công ti thì phải được các thành viên còn lại đồng ý.
Thứ sáu,về tư cách pháp lí và trách nhiệm tài sản của công ty hợp danh: công ty hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Như vậy, công ty hợp danh có tư cách pháp lí độc lập khi tham gia giao dịch, có tài sản độc lập với các thành viên và chịu trách nhiệm độc lập bằng chính tài sản của mình.
Trên đây là tư vấn của luatthanhmai về chủ đề Phân tích đặc điểm pháp lí của công ty hợp danh . Nếu có thắc mắc hay vấn đề cần được tư vấn vui lòng liên hệ email: luathanhmai@gmail.com để được luật sư tư vấn hỗ trợ miễn phí.
Bài viết cùng chủ đề:
Quyền cho thuê và bán doanh nghiệp tư nhân của chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân