Ngân sách nhà nước là gì?
Khái niệm ngân sách nhà nước không chỉ được xem xét trên phương diện kinh tế mà còn được tiếp cận dưới góc độ pháp lí. Khái niệm này hàm chứa nhiều nội dung chính trị – pháp lí như việc thiết lập và thi hành ngân sách nhà nước; thủ tục soạn thảo, lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách; sự phân chia quyền trong việc kiểm soát quá trình ngân sách…
Theo pháp luật thực định Việt Nam, khái niệm ngân sách nhà nước được đề cập tại khoản 14 điều 4 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 , theo đó:
Ngân sách nhà nước là toàn bộ các khoản thu, chi của nhà nước được dự toán và thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định để bảo đảm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của nhà nước.

Các đặc điểm của ngân sách nhà nước
Cũng như ngân sách của các chủ thể khác trong xã hội (ví dụ ngân sách cá nhân, ngân sách gia đình, ngân sách doanh nghiệp…), ngân sách nhà nước cũng phản ánh những khoản thu và chi tiền tệ của một chủ thể nhất định và những khoản thu, chi này đều thể hiện chương trình hoạt động của chủ thể đó trong một thời hạn xác định. Tuy nhiên, với ý nghĩa là một loại hình ngân sách quan trọng nhất, ngân sách nhà nước còn mang những đặc điểm riêng biệt. Có thể kể đến các đặc điểm cơ bản sau:
Thứ nhất, ngân sách nhà nước là một kế hoạch tài chính khổng lồ nhất cần được Quốc hội biểu quyết thông qua trước khi thi hành. Với đặc điểm này, việc thiết lập ngân sách là vấn đề mang tính kĩ thuật pháp lí phải trải qua thủ tục như ban hành một đạo luật.
Nếu các loại ngân sách của các chủ thể khác chỉ phản ánh các hành vi thuần túy kinh tế ( việc lập dự trù kế hoạch không cần đệ trình cơ quan lập pháp phê chuẩn) thì ngân sách nhà nước vừa phản ánh các hành vi kinh tế vừa thể hiện các hành vi pháp lí của các cơ quan có thẩm quyền (cơ quan hành pháp lập dự toán ngân sách, cơ quan lập pháp quyết định bản dự toán đó).
Thứ hai, ngân sách nhà nước không phải là một bản kế hoạch tài chính thuần túy mà còn là một đạo luật. Đây là sự khác biệt về phương diện pháp lí giữa ngân sách nhà nước với các loại ngân sách của các chủ thể khác.
Với ý nghĩa là bản kế hoạch tài chính quan trọng bậc nhất, có vai trò lớn đối với việc phát triển kinh tế, ổn định chính trị – xã hội quốc gia nên sau khi bản dự toán ngân sách được cơ quan lập pháp thông qua sẽ được ban bố dưới hình thức một đạo luật để đảm bảo được thực hiện một cách thống nhất, nghiêm ngặt và có kiểm soát.
Thứ ba, ngân sách nhà nước là kế hoạch tài chính của toàn thể quốc gia, được trao cho chính phủ tổ chức thực hiện nhưng phải đặt dưới sự giám sát trực tiếp của quốc hội. Việc thiết lập quyền giám sát của quốc hội nhằm kiểm soát nguy cơ lạm quyền của các cơ quan hành pháp trong quá trình thực thi ngân sách nhà nước.
Thứ tư, ngân sách nhà nước được thiết lập và thực thi hoàn toàn vì mục tiêu mưu cầu lợi ích chung cho toàn thể quốc gia, không phân biệt người thụ hưởng các lợi ích đó là ai, thuộc thành phần kinh tế nào hay đẳng cấp xã hội nào. Lợi ích chung là yếu tố ảnh hưởng mang tính quyết định đến việc tiến hành các nghiệp vụ tài chính của chính phủ và chính phủ luôn tìm cách thỏa mãn tối đa các nhiệm vụ chi, tiêu đã được hoạch định và cho phép thực hiện bởi quốc hội.
Khác với ngân sách tư nhân được thiết lập vì mục đích cụ thể cho chính họ, ngân sách nhà nước luôn phải đảm bảo đem lại lợi ích cho đa số, do vậy đôi khi vì thỏa mãn lợi ích chung mà chính phủ phải tiến hành những nhiệm vụ không chắc chắn đem lại lợi ích cụ thể cho riêng mình ( ví dụ trợ cấp nhân dân vùng thiên tai, dịch họa…)
Thứ năm, ngân sách nhà nước luôn phản ánh mối tương quan giữa quyền lập pháp và quyền hành pháp trong việc xây dựng và thực hiện ngân sách. Mối tương quan này thường nghiêng về phía cơ quan lập pháp bởi sự áp đảo của cơ quan lập pháp so với cơ quan hành pháp trong lĩnh vực ngân sách đã được pháp luật ghi nhận như một nguyên tắc cơ bản của nền tài chính công hiện đại.
Ý nghĩa pháp lý của việc xác định các đặc điểm của ngân sách nhà nước
Việc xác định các đặc điểm của ngân sách nhà nước mang lại những ý nghĩa pháp lý như sau:
– Khẳng định được tầm quan trọng của ngân sách nhà nước, đây là một đạo luật của nhà nước, là kế hoạch tài chính của toàn thể quốc gia, được thiết lập và thực thi để thực hiện những nhiệm vụ, chức năng của nhà nước đối với xã hội. Trải qua một quá trình xây dựng, được cơ quan quyền lực của nhà nước xem xét, biểu quyết thông qua trước khi thi hành.
– Với tính chất như một đạo luật của nhà nước thì ngân sách nhà nước được trao cho Chính phủ thực hiện và quốc hội giám sát, đòi hỏi phải có sự thực hiện nghiêm túc của các cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan trong việc sử dụng ngân sách.
Trên đây là tư vấn của luatthanhmai về chủ đề Đặc điểm của ngân sách nhà nước. Nếu có thắc mắc hay vấn đề cần được tư vấn vui lòng liên hệ email: luathanhmai@gmail.com để được luật sư tư vấn hỗ trợ miễn phí.