Mẫu chỉ thị về tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy

 Hướng dẫn soạn chỉ thị về tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy

Mẫu chỉ thị về tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy
Mẫu chỉ thị về tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy

Gồm: Hình thức chỉ thị về tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy. Nội dung chỉ thị về tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy, Cơ sở ban hành chỉ thị về tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy, Thẩm quyền ban hành chỉ thị về tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy, Thẩm quyền ký chỉ thị về tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy.

UỶ BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Số:  …/ CT- UBND

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Ðộc lập – Tự do – Hạnh phúc

TP. Hồ Chí Minh,, ngày… tháng …năm …

 

CHỈ THỊ

Về tăng cường công tác tuyên truyền về phòng cháy

và chữa cháy trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh

 Trong những năm gần đây công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng cháy và chữa cháy trên  địa bàn thành phố đã có sự chuyển biến nhất định, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình trong việc chấp hành pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, làm giảm thiểu các nguy cơ về cháy, nổ trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, trong thời gian qua tình hình cháy, nổ trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh vẫn diễn biến phức tạp, số vụ cháy giảm, nhưng thiệt hại do cháy, nổ gây ra vẫn ở mức cao, có những vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hậu quả trên, trong đó có công tác tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy hiệu quả chưa cao, dẫn đến nhận thức của người dân chủ quan trong việc thực hiện pháp luật, quy định về phòng cháy, chữa cháy, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy.

Để thực hiện tốt Luật Phòng cháy chữa cháy và tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của công dân, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình đối với công tác phòng cháy, chữa cháy, Củ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, lãnh đạo các tổ chức, doanh nghiệp, đoàn thể trên địa bàn thành phố tăng cường công tác tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy với các nội dung như sau:

1. Công an thành phố:

a) Chỉ đạo Công an các quận, huyện, phường – xã, thị trấn thông qua phong trào bảo vệ an ninh trật tự kết hợp với tổ chức các hoạt động tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy tại các địa bàn dân cư.

b)Chỉ đạo Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy: Tập trung đẩy mạnh công tác xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy bằng các hình thức hoạt động tuyên truyền đa dạng, phong phú, dễ hiểu, dễ tiếp cận, dễ thực hiện, với mục tiêu đến năm 2012 có 100% hộ gia đình trên địa bàn thành phố được tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức an toàn phòng cháy, chữa cháy.

c) Phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Tuần lễ Quốc gia về An toàn – Vệ sinh lao động – Phòng chống cháy nổ” và “Ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy” 04 tháng 10 trên địa bàn thành phố.

d) Phối hợp với Thành Đoàn Thanh niên cộng sản thành phố, tổ chức các hoạt động tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy cho thanh thiếu niên và học sinh trên địa bàn thành phố trong các hoạt động hè.

đ) Phối hợp với Liên đoàn Lao động thành phố, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, hàng năm tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về pháp luật, kiến thức phòng cháy, chữa cháy cho cán bộ, công nhân viên trên địa bàn thành phố.

e) Phối hợp với Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố, các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện, chỉ đạo kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chỉ thị này. Định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện cho Ủy ban nhân dân thành phố theo quy định.

g)Phối hợp với Ủy ban nhân dân quận, huyện xây dựng và triển khai thực hiện nội dung tuyên truyền các quy định, các văn bản có liên quan về công tác phòng cháy, chữa cháy cho tất cả các đối tượng trên địa bàn quản lý, đặc biệt là các hộ gia đình trong khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao. Kịp thời đề xuất, biểu dương những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy.

2. Sở Tư pháp:

a) Biên soạn, in ấn tài liệu hỏi đáp pháp luật, tờ bướm tuyên truyền pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, cung cấp cho các sở, ban, ngành thành phố và Ủy ban nhân dân quận,huyện, các tổ chức, doanh nghiệp để tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng cháy, chữa cháy cho cán bộ công chức và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố.

b) Thường xuyên hướng dẫn các sở, ban, ngành, quận, huyện, các tổng công ty, công ty trong việc thực hiện công tác tuyên truyền pháp luật về phòng cháy, chữa cháy.

c) Phối hợp với Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy và các thành viên của Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố xây dựng chương trình bồi dưỡng kiến thức về phòng cháy, chữa cháy cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của các sở, ban, ngành, đơn vị trên địa bàn thành phố.

3. Sở Công thương:

a) Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị sản xuất, kinh doanh xăng, dầu, gas trên địa bàn thành phố các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống cháy, nổ trong quá trình bảo quản, vận chuyển và sử dụng xăng, dầu, gas.

b) Phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy biên soạn các tài liệu, tờ gấp, tờ rơi về các biện pháp an toàn khi sử dụng xăng, dầu, gas.

4. Công ty điện lực thành phố:

a) Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch tuyên truyền, phổ biến cho người dân các kiến thức cơ bản về an toàn trong sử dụng điện và các biện pháp xử lý tình huống cháy, nổ do điện gây ra, tập trung hướng dẫn các biện pháp an toàn sử dụng điện tại các hộ gia đình, nâng cao ý thức của người dân trong việc sử dụng điện, góp phần kéo giảm các số vụ cháy do điện.

b) Phối hợp với Sở Tư pháp xây dựng sổ tay hướng dẫn thực hiện phương pháp sử dụng điện an toàn và phát hành rộng rãi cho từng hộ dân.

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Phối hợp với Ủy ban nhân dân quận, huyện có rừng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Công an thành phố, Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố xây dựng kế hoạch tuyên truyền các biện pháp phòng, chống cháy rừng, đặc biệt đối với các chủ rừng và cá nhân, tổ chức được giao rừng.

6. Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố có trách nhiệm phối hợp với Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục  pháp luật, kiến thức về phòng cháy và chữa cháy, cứu nạn-cứu hộ phù hợp cho từng đối tượng; tổ chức thi tìm hiểu, kiểm tra kiến thức pháp luật về phòng cháy và chữa cháy cho học sinh, sinh viên.

7. Ban Quản lý Khu Chế xuất, Công nghiệp, Khu Công nghệ cao thành phố phối hợp với Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, Sở Tư pháp, Sở Lao động – Thương binh và xã hội tuyên truyền pháp luật, kiến thức phòng cháy, chữa cháy và an toàn lao động cho người đứng đầu cơ sở và cán bộ, công nhân viên đang làm việc trong các Khu Chế xuất, Khu Công nghiệp, Khu Công nghệ cao.

8. Sở Thông tin và Truyền thông:

a) Phối hợp với Đài Tiếng nói nhân dân thành phố, Đài Truyền hình thành phố mở các chuyên mục “Toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy”, xây dựng các chủ đề, phóng sự, tiểu phẩm… có nội dung tuyên truyền, hướng dẫn, cảnh báo nguy cơ cháy, các bài học rút ra từ các vụ cháy; tổ chức phát sóng định kỳ ít nhất 01 lần trong tháng về các hoạt động phòng cháy, chữa cháy.

b) Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, các cơ quan tổ chức truyền thông trên địa bàn thành phố tổ chức công tác tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, phổ biến những quy định an toàn phòng cháy, chữa cháy trên các phương tiện thông tin đại chúng.

9. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

Phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tổ chức mít tinh, hội thao nhằm tuyên truyền pháp luật về phòng cháy, chữa cháy nhân các hoạt động kỷ niệm “Ngày toàn dân phòng cháy và chữa cháy” 4 tháng 10 hàng năm.

10. Sở Tài chính:

Phối hợp, hướng dẫn các sở, ban, ngành và các đơn vị có liên quan về nguồn kinh phí phục vụ cho công tác tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy hàng năm trên địa bàn thành phố. Thực hiện thanh, quyết toán các nguồn kinh phí theo quy định.

11. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội:

Chủ trì và phối hợp với Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về pháp luật, kiến thức phòng cháy, chữa cháy cho cán bộ, công nhân viên trong các cơ sở, doanh nghiệp có sử dụng lao động thuộc thẩm quyền, phạm vi quản lý. Phối hợp với các đơn vị liên quan biên soạn các tài liệu tuyên truyền về “An toàn – Vệ sinh lao động – Phòng chống cháy nổ” trong quá trình sản xuất.

12. Ủy ban nhân dân các quận, huyện:

Xây dựng mạng lưới tuyên truyền viên khu dân cư; có kế hoạch đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định về phòng cháy, chữa cháy đối với các tổ chức, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất và hộ gia đình trên địa bàn, đặc biệt là các cơ sở sản xuất có nguy hiểm cháy, nổ nằm xen cài trong khu dân cư, các hộ gia đình sống trong các khu dân cư, chung cư có nguy cơ cháy cao.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.

Chỉ thị này có hiệu lực kể từ ngày ký.

  Nơi nhận:
– TTTU, TT HĐND TP;
– Các Sở, ban, ngành TP;
– UBND các quận, huyện, thị xã;
– Lưu: VP.

CHỦ TỊCH

 Bài viết cùng chủ đề Mẫu chỉ thị về tăng cương công tác phòng cháy chữa cháy

Mẫu chỉ thị về phòng chống lụt bão

Mẫu chỉ thị về bảo vệ môi trường

Trên đây là tư vấn của luatthanhmai về chủ đề Mẫu chỉ thị về tăng cương công tác phòng cháy chữa cháy . Nếu có thắc mắc hay vấn đề cần được tư vấn vui lòng liên hệ email: luathanhmai@gmail.com để được luật sư tư vấn hỗ trợ miễn phí.

Đánh giá bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *