1. Phương pháp xung đột pháp luật trong tư pháp quốc tế là gì?
Phương pháp xung đột là PPĐC quan hệ một cách gián tiếp. Phương pháp này không đưa ra phương án giải quyết ngay quan hệ mà điều chỉnh quan hệ bằng cách lựa chọn một hệ thống pháp luật cụ thể trong số những hệ thống pháp luật có liên quan, rồi dùng hệ thống pháp luật được chọn ra ấy để giải quyết quan hệ. Như vậy, bằng phương pháp này, quan hệ pháp lý phát sinh chỉ được giải quyết thấu đáo khi áp dụng trực tiếp các quy định cụ thể trong hệ thống pháp luật của quốc gia được viện dẫn tới (được chọn để điều chỉnh quan hệ). Muốn chọn ra hệ thống pháp luật cụ thể để giải quyết vấn đề pháp lý phát sinh, TPQT đã xây dựng nên hệ thống các quy phạm pháp luật xung đột (quy phạm xung đột). Đây chính là hệ thống quy phạm pháp luật giúp cho việc lựa chọn pháp luật được thực hiện trên thực tế. Quy phạm pháp luật xung đột được xây dựng trong pháp luật quốc gia và điều ước quốc tế hữu quan. Cũng giống như quy phạm pháp luật thực chất, quy phạm pháp luật xung đột trong ĐƯQT được gọi là quy phạm pháp luật xung đột thống nhất, còn quy phạm pháp luật xung đột trong pháp luật quốc gia được gọi là quy phạm pháp luật xung đột nội địa (hay thông thường).

2. Bình luận về phương pháp xung đột pháp luật trong tư pháp quốc tế
* Ưu điểm
Thứ nhất, giúp các cơ quan có thẩm quyền giải quyết được nhiều vấn đề, có tính thích ứng cao. Bản chất của phương pháp xung đột là dẫn chiếu đến một hệ thống pháp luật cụ thể khi chưa có các quy phạm pháp luật thống nhất giữa các quốc gia để giải quyết. Do đó, phương pháp này góp phần khắc phục tình trạng chưa có quy định để điều chỉnh ngay, từ đó giúp cho các cơ quan linh hoạt, mềm dẻo hơn khi lựa chọn hệ thống pháp luật trong việc giải quyết các quan hệ.
Thứ hai, không cần nhiều QPXĐ để thích ứng với từng quan hệ, thậm chí có thể sử dụng một QPXĐ cho một hay nhiều nhóm quan hệ. Không giống quy phạm pháp luật thực chất là quy định rõ ràng, trực tiếp cách giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài, quy phạm pháp luật xung đột chỉ cần quy định sao cho các chủ thể có thể lựa chọn một hệ thống pháp luật rồi áp dụng các quy định cụ thể liên quan của hệ thống pháp luật đó trong giải quyết quan hệ. Vì vậy, QPXĐ mang tính chung chung, có thể áp dụng với nhiều quan hệ.
Thứ ba, việc xây dựng QPXĐ khá đơn giản, hiệu quả, linh hoạt. QPXĐ chỉ đưa ra lựa chọn hệ thống pháp luật nào đó để áp dụng giải quyết quan hệ pháp luật phát sinh, nó không phải là quy định cụ thể trực tiếp quyền và nghĩa vụ cho các bên liên quan. Mặt khác, pháp luật cũng như điều kiện kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia khác nhau nên việc cùng nhau xây dựng các quy định cụ thể thống nhất để điều chỉnh quan hệ dân sự có nước ngoài là rất khó khăn. Do đó, xây dựng QPXĐ sẽ đơn giản, hiệu quả hơn.
* Hạn chế
Thứ nhất, QPXĐ chỉ giải quyết gián tiếp vấn đề cho các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của TPQT, lòng vòng mất thời gian. Giải quyết gián tiếp là việc QPXĐ chỉ đưa ra quyền lựa chọn hệ thống pháp luật điều chỉnh. Theo đó, các chủ thể phải thống nhất một hệ thống pháp luật của một nước để áp dụng.
Tuy nhiên, các bên lại phải tiếp tục xem xét các quy định cụ thể nào của hệ thống pháp luật đó là liên quan, phù hợp để giải quyết quan hệ. Có thể thấy, quy trình này rất phức tạp, và đôi khi các chủ thể cũng khó chọn ra được một hệ thống pháp luật để áp dụng.
Thứ hai, không phải lúc nào cũng giúp ta xác định được hệ thống pháp luật cần áp dụng mà có thể dẫn đến các trường hợp dẫn chiếu ngược và dẫn chiếu đến pháp luật của nước thứ ba hay các nước áp dụng bảo lưu trật tự công cộng
Thứ ba, bản chất của QPXĐ là chức năng dẫn chiếu cho nên có khả năng dẫn chiếu đến pháp luật nước ngoài và dễ kéo theo những hệ quả như là lẩn tránh pháp luật, gây khó khăn trong việc áp dụng (xác định nội dung, giải thích…).
Chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự có yếu tố nước ngoài sẽ sử dụng một số thủ đoạn để áp dụng hệ thống pháp luật có lợi cho mình, tránh áp dụng hệ thống pháp luật lẽ ra phải được áp dụng vì nó bất lợi cho mình. Để áp dụng hệ thống pháp luật có lợi cho mình và tránh áp dụng hệ thống pháp luật bất lợi, chủ thể của quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài có thể áp dụng các thủ đoạn sau:
Lợi dụng sự khác nhau của các QPXĐ trong hệ thống pháp luật các nước. Các QPXĐ của các nước khác nhau dẫn đến việc lựa chọn luật thực chất khác nhau khi cùng giải quyết một vấn đề. Nói rộng hơn, đây là thủ đoạn lợi dụng sự khác nhau giữa tư pháp quốc tế các nước.
Lợi dụng sự khác nhau trong QPXĐ của chính nước có QPXĐ được áp dụng để chọn luật điều chỉnh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài.
Thứ tư, quy tắc giải quyết xung đột ở các nước khác nhau trong cùng một vấn đề gây khó khăn cho cơ quan giải quyết tranh chấp.
Bài viết cùng chủ đề:
Áp dụng pháp luật nước ngoài trong tư pháp quốc tế (Phân tích chi tiết).
Giải quyết xung đột pháp luật về hợp đồng dân sự – tư pháp .
Trên đây là tư vấn của luatthanhmai về chủ đề Bình luận phương pháp xung đột pháp luật trong tư pháp quốc tế. Nếu có thắc mắc hay vấn đề cần được tư vấn vui lòng liên hệ email: luathanhmai@gmail.com để được luật sư tư vấn hỗ trợ miễn phí.