Chủ thể của vi phạm hành chính
Chủ thể là một trong các yếu tố cấu thành của vi phạm hành chính.
Chủ thể vi phạm hành chính là các tổ chức, cá nhân có năng lực chịu trách nhiệm hành chính theo quy định của pháp luật hành chính.Trách nhiệm hành chính là hậu quả pháp lí bất lợi mà Nhà nước buộc các tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính phải gánh chịu.
Cá nhân là chủ thể của vi phạm hành chính khi thực hiện hành vi vi phạm hành chính vào thời điểm có năng lực trách nhiệm hành chính. Cá nhân có năng lực trách nhiệm hành chính phải là người từ đủ 14 tuổi trở lên, không mắc các bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiểu hành vi và đủ độ tuổi do pháp luật quy định :
– Người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi là chủ thể vi phạm hành chính trong trường hợp thực hiện hành vi với lỗi cố ý ( Lỗi cố ý là người nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội , bị pháp luật cấm đoán nhưng vẫn cố tình thực hiện).
– Người từ đủ 16 tuổi trở lên là chủ thể vi phạm hành chính trong mọi trường hợp. Khi phạt tiền ngưởi từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì mức tiền phạt không quá ½ mức tiền phạt với người thành niên.
Tổ chức là chủ thể vi phạm hành chính bao gồm : cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội , các đơn vị kinh tế , các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân và các tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật.
Tổ chức là chủ thể của vi phạm hành chính khi có biểu hiện xâm hại các trật tự quản lí hành chính nhà nước một cách trái pháp luật, và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt hành chính. Chỉ xác định tư cách chủ thể khi có tư cách pháp nhân. Trong trường hợp thành viên tổ chức trực tiếp thực hiện hành vi trái pháp luật, nhưng không có lỗi, thì hành vi này không cấu thành vi phạm hành chính.
Cá nhân và tổ chức nước ngoài cũng là chủ thể vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam kí kết hoặc tham gia có quy định khác.
Các biện pháp cưỡng chế áp dụng khi không có vi phạm hành chính
Cưỡng chế là biện pháp bắt buộc bằng bạo lực của cơ quan nhà nước có thầm quyền đối với những cá nhân hoặc tổ chức nhất định trong những trường hợp pháp luật quy định, về mặt vật chất hay tinh thần nhằm buộc các cá nhân hay tổ chức đó phải thực hiện hoặc không thực hiện những hành vi nhất định hoặc phục tùng những hạn chế nhất định đối với tài sản của cá nhân hay tổ chức hoặc tự do thân thể của cá nhân.
Phương pháp cưỡng chế trong quản lí hành chính nhà nước thể hiện trong việc áp dụng những quyết định bắt buộc đơn phương đối với đối tượng quản lí. Phương pháp cưỡng chế thường được thực hiện trong những trường hợp quyết định đơn phương không được thực hiện một cách tự giác. Phương pháp cưỡng chế giữ vai trò quan trọng trong quản lí hành chính nhà nước.
Cưỡng chế hành chính bao gồm: Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính; các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử lí vi phạm hành chính; các biện pháp khắc phục hậu quả của vi phạm hành chính; các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính; các biện pháp xử lí hành chính khác; các biện pháp phòng ngừa hành chính; các biện pháp được áp dụng trong trường hợp cần thiết vì lí do an ninh, quốc phòng và lợi ích quốc gia.
Trong các biện pháp đó, có các biện pháp cưỡng chế được áp dụng khi không có vi phạm hành chính xảy ra đó là các biện pháp phòng ngừa hành chính và các biện pháp được áp dụng trong trường hợp thật cần thiết vì lí do an ninh, quốc phòng và lợi ích quốc gia.
Các biện pháp phòng ngừa hành chính được cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng nhằm phòng ngừa những vi phạm hành chính có thể xảy ra hoặc nhằm hạn chế những thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra.
Các biện pháp phòng ngừa hành chính rất phong phú và cũng được quy định chặt chẽ như các biện pháp cưỡng chế hành chính khác. Những biện pháp phòng ngừa hành chính chủ yếu là:
Đóng cửa biên giới trên một vùng nhất định trong một khoảng thời gian nhất định nhằm những mục đích như đảm bảo an ninh, phòng chống buôn lậu, ngăn chặn dịch bệnh…
Kiểm tra giấy tờ: Giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, đăng kí kinh doanh, giấy phép lái xe….
Kiểm tra sức khỏe định kì đối với những người làm việc trong lĩnh vực dịch vụ công cộng có khả năng làm lây bệnh cho nhiều người khác như những người làm việc trong các khách sạn, nhà hàng, nhà trẻ…
Các biện pháp được áp dụng trong trường hợp thật cần thiết vì lí do an ninh, quốc phòng và vì lợi ích quốc gia: Di dân, giải phóng mặt bằng, trưng mua, trưng dụng tài sản…:
Trưng mua tài sản là việc Nhà nước mua tài sản của tổ chức ( không bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân), cá nhân, hộ gia đình thông qua quyết định hành chính trong trường hợp thật cần thiết vì lí do quốc phòng, an ninh và lợi ích quốc gia.
Người có tài sản trưng mua là tổ chức, cá nhân, gia đình trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài có quyền sở hữu tài sản thuộc đối tượng trưng mua.
Trưng dụng tài sản là việc Nhà nước sử dụng có thời hạn tài sản của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư thông qua quyết định hành chính trong trường hợp thật cần thiết vì lí do quốc phòng, an ninh và lợi ích quốc gia.
Người có tài sản trưng dụng là tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài có quyền sở hữu tài sản hoặc quyền sử dụng tài sản thuộc đối tượng trưng dụng
Bài viết cùng chủ đề:
Phương pháp điều chỉnh của luật hành chính
Khái niệm và đặc điểm của tổ chức xã hội
Chuyên mục tham khảo: Hỏi đáp pháp luật
Trên đây là tư vấn của luatthanhmai về chủ đề Biện pháp cưỡng chế áp dụng khi không có vi phạm hành chính. Nếu có thắc mắc hay vấn đề cần được tư vấn vui lòng liên hệ email: luathanhmai@gmail.com để được luật sư tư vấn hỗ trợ