Bài viết phân tích về Áp dụng pháp luật nước ngoài trong tư pháp quốc tế (Phân tích chi tiết)
1. Cơ sở pháp lí về áp dụng pháp luật nước ngoài trong tư pháp quốc tế
Điều kiện để pháp luật nước ngoài được áp dụng tại Việt Nam được ghi nhận tại Điều 664, 668, 670 BLDS 2015. Với các quy định này, nhìn chung pháp luật nước ngoài sẽ được áp dụng tại Việt Nam nếu thoã mãn hai điều kiện sau đây:
Thứ nhất, pháp luật nước ngoài chỉ được áp dụng trong những trường hợp được pháp luật quy định. Cụ thể là pháp luật nước ngoài sẽ được áp dụng khi Điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam có quy định; hoặc pháp luật nước ngoài được áp dụng nếu Điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam có quy định các bên có quyền lựa chọn pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Đây được xem là điều kiện tiên quyết để Toà án xem xét việc áp dụng pháp luật nước ngoài trong một vụ việc cụ thể. Mặc dù việc chấp nhận áp dụng pháp luật nước ngoài hay không, chấp nhận áp dụng đối với những quan hệ nào, hoàn toàn thuộc chủ quyền của quốc gia. Tuy nhiên, cơ quan có thẩm quyền của quốc gia, cụ thể ở đây là Toà án, không thể áp dụng một cách tuỳ tiện cũng như từ chối áp dụng một cách tuỳ tiện.
Như vậy, với quy định trên có thể khẳng định rằng pháp luật nước ngoài chỉ có thể được áp dụng tại Việt Nam nếu thuộc 1 trong 3 trường hợp: (i) quy phạm xung đột trong Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên quy định áp dụng pháp luật
nước ngoài (ii) quy phạm xung đột trong pháp luật Việt Nam quy định áp dụng pháp luật nước ngoài (iii) các bên thoả thuận lựa chọn pháp luật nước ngoài.
Thứ hai, pháp luật nước ngoài chỉ được áp dụng nếu thỏa mãn điều kiện nếu hậu quả của việc áp dụng pháp luật nước ngoài không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Về bản chất, điều kiện này đã kế thừa tinh thần của Điều 759 BLDS 2005, tuy nhiên cũng có sự thay đổi nhỏ. Thay vì quy định “việc áp dụng hoặc hậu quả của việc áp dụng không trái với các nguyên tắc của pháp luật Việt Nam” thì điều luật mới chỉ quy định về “hậu quả của việc áp dụng…”. Sự thay đổi này khiến cho điều luật trở nên mạch lạc và dễ hiểu, dễ áp dụng hơn so với cách quy định cũ. Đây là điều kiện quan trọng nhằm bảo vệ nguyên tắc cơ bản của quốc gia có Toà án không bị ảnh hưởng bởi pháp luật nước ngoài.

2, Các trường hợp áp dụng pháp luật nước ngoài trong Tư pháp quốc tế Việt Nam.
a,Khi quy phạm xung đột thông thường dẫn chiếu đến luật nước ngoài.
Quy phạm xung đột thông thường là quy phạm do các quốc gia tự xây dựng nên trong hệ thống pháp luật của mình.Luật nước ngoài khi được quy phạm xung đột thông thường dẫn chiếu đến được hiểu là toàn bộ hệ thống pháp pháp luật nước ngoài bao gồm bao gồm các quy phạm thực chất lẫn các quy phạm xung đột.
Việc áp dụng quy phạm xung đột thông thường dẫn chiếu đến luật nước ngoài có thể gặp trường hợp pháp luật nước ngoài lại dẫn chiếu ngược hoặc dẫn chiếu đến pháp luật của nước thứ ba.
Dẫn chiếu ngược là hiện tượng pháp luật nước được dẫn chiếu, dẫn chiếu ngược trở lại pháp luật nước dẫn chiếu. Hay khi quy phạm xung đột thông thường của một nước dẫn chiếu đến pháp luật nước ngoài, pháp luật nước ngoài đó có quy phạm xung đột, như lại ấp dụng hệ thuộc luật khác, và quy phạm xung đột của nước ngoài này lại chỉ tới áp dụng pháp luật của nước có quy phạm ban đầu.
Ví dụ: Anh A và chị B là vợ chồng và đều là công dân Việt Nam, đi làm và cư trú tại nước X.Năm 2015, họ nộp đơn ra tòa án Việt Nam xin li hôn và được tòa án Vỉệt Nam thụ lí vụ việc.Giữa Việt Nam và nước X không có HĐTTTP nên tòa án Việt Nam căn cứ theo pháp luật Việt Nam để giải quyết. Căn cứ theo khoản 2 Điều 127 luật hôn nhân và gia đình 2014: “2. Trong trường hợp bên là công dân Việt Nam không thường trú ở Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng; nếu họ không có nơi thường trú chung thì giải quyết theo pháp luật Việt Nam.” Tòa án Việt Nam xác định, ,vợ chồng A, B thường trú tại nước X nên áp dụng quy định của X để giải quyết.Tuy nhiên căn cứ vào luật nước X thì việc li hôn có yếu tố nước ngoài sẽ được giải quyết theo pháp luật của nước mà hai vợ chồng mang quốc tịch, tức là pháp luật Việt Nam.Như vậy, ở đây có hiện tượng dãn chiếu ngược, luật Việt Nam dẫn chiếu đến luật nước X, luật nước X lại có quy phạm dẫn chiếu ngược trở lại pháp luật Việt Nam.
Dẫn chiếu đến pháp luật nước thứ ba là hiện tượng pháp luật nước được dẫn chiếu, dẫn chiếu đến pháp luật của nước khác, hay lúc này quy phạm xung đột trong pháp luật nước được dẫn chiếu dẫn chiếu đến pháp luật nước tiếp theo.
Ví dụ: Trong tình huống nêu ở trên, nếu thay đổi rằng pháp luật nước X quy định li hôn có yếu tố nước ngoài sẽ áp dụng theo pháp luật của nước do các bên lựa chọn, mà vợ chồng anh A lại lựa chọn pháp luật nước Y, là luật nơi có tài sản, để giải quyết thì sẽ xảy ra hiện tượng dẫn chiếu đên pháp luật nước thứ ba.
Nguyên nhân của hiện tượng dẫn chiếu ngược và dẫn chiếu đến pháp luật của nước thứ ba là do về cùng một vấn đề, một phạm vi quan hệ nhưng hệ thống pháp luật của các nước các nước lại có quy định khác nhau về hệ thuộc luật áp dụng.
Ngoài ra, vấn dề dẫn chiếu ngược và dẫn chiếu đến pháp luật của nước thứ ba cũng sẽ không tồn tại trong trường hợp khi các quốc gia ký kết với nhau các hiệp định song phương (thường là các hiệp định tương trợ tư pháp) trong đó quy định các quy phạm xung đột thống nhất thì về nguyên tắc, các quy phạm xung đột thống nhất sẽ được ưu tiên áp dụng.
Dẫn chiếu ngươc trong pháp luật Việt Nam: Chấp nhận dẫn chiếu ngược, cơ sở pháp lý là khoản 1, 2 điều 668 Bộ luật dân sự 2015.
“Điều 668. Phạm vi pháp luật được dẫn chiếu đến
- Pháp luật được dẫn chiếu đến bao gồm quy định về xác định pháp luật áp dụng và quy định về quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ dân sự, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.
- Trường hợp dẫn chiếu đến pháp luật Việt Nam thì quy định của pháp luật Việt Nam về quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ dân sự được áp dụng.”
Như vậy, Việt Nam theo quan điểm chấp nhận dẫn chiếu. Bởi việc dẫn chiếu không vi phạm nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia, khi pháp luật nước ngoài tự nguyện từ bỏ chi phối quan hệ cụ thể, vì thế điều đó không ảnh hưởng việc tôn trọng sự bình đẳng giữa các hệ thống pháp luật.
Pháp luật Việt Nam chấp nhận dẫn chiếu đến pháp luật của nước thứ ba: Khoản 3 Điều 668 Bộ luật dân sự 2015.
“3. Trường hợp dẫn chiếu đến pháp luật của nước thứ ba thì quy định của pháp luật nước thứ ba về quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ dân sự được áp dụng.”
Tuy nhiên cần lưu ý ngoại lệ của cơ chế dẫn chiếu ngược pháp luật nước ngoài (Khoản 4 Điều 668) là khi các bên có thỏa thuận chọn luật áp dụng trong các trường hợp luật cho phép các bên có quyền chọn luật để điều chỉnh cho các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài.
b,Khi quy phạm xung đột thống nhất dẫn chiếu đến luật nước ngoài.
Quy phạm xung đột thống nhất là quy phạm xung đột được các quốc gia xây nên trong các điều ước quốc tế. Giống như quy phạm xung đột thông thường, quy phạm xung đột thống nhất dẫn chiếu đến luật nước ngoài thì phải áp dụng pháp luật nước ngoài , bởi quy phạm xung đột thống nhất tuy không do nhà nước xây dựng nên nhưng do nhà nước thoả thuận xây dựng nên cùng với một hoặc nhiều nước khác (xây dựng điều ước quốc tế song phương hoặc điều ước quốc tế đa phương) hoặc do nhà nước chấp thuận tham gia gia nhập điều ước quốc tế đa phương). Tuy nhiên , ở đây có một sự khác biệt có ý nghĩa quan trọng giữa sự dẫn chiếu của quy phạm xung đột thông thường và quy phạm xung đột thống nhất , đó là luật nước nào được quy phạm xung đột thống nhất dẫn chiếu thì chỉ có nghĩa là phần luật thực định của pháp luật nước đó chứ không phải là toàn bộ hệ thống pháp luật của nước đó bao gồm cả quy phạm xung đột như khi quy phạm xung đột thông thường dẫn chiếu đến .Vì vậy, đối với quy phạm xung đột thống nhất khi dẫn chiếu luật không xảy ra hiện tượng dẫn chiếu ngược và dẫn chiếu đến pháp luật nước thứ ba
Ví dụ: ông A là công dân Việt Nam định cư ở Bungari, năm 2019 ông A qua đời mà không để lại di chúc. Di sản thừa kế ông A để lại gồm 2 mảnh đất và một ngôi nhà tại Bungari. Năm 2020, anh C và D yêu cầu tòa án Việt Nam chia di sản thừa kế của ông A. Căn cứ theo điều 42 HĐTTTP Việt Nam- Bungari:“Về thừa kế bất động sản thì áp dụng pháp luật của nước ký kết nơi có bất động sản” Như vậy trong tình huống này, việc chia tài sản thừa kế của ông A cần phải áp dụng pháp luật Bungari.
c, Khi các bên thoả thuận áp dụng luật nước ngoài.
Đây là trường hợp luật áp dụng do các bên thoả thuận lựa chọn, là trường hợp mà luật nước ngoài được áp dụng không do các quy phạm luật dẫn chiếu.
Pháp luận đề cao, tôn trọng sự thoả thuận của các bên. Tuy nhiên,việc chọn luật của các bên cũng phải đáp ứng các điều kiện có hiệu lực của thỏa thuận chọn pháp
luật áp dụng (Theo điều 117 BLDS 2015,) và phải dựa trên căn cứ pháp luật hay nói cách khác là sự lựa chọn đó của các bên phải được pháp luật cho phép, nếu pháp luật không cho phép chọn thì dù có chọn luật thì sự lựa chọn ấy cũng không có giá trị pháp lí. Điều 670 BLDS 2015 quy định các trường hợp không áp dụng pháp luật nước ngoài
1. Pháp luật nước ngoài được dẫn chiếu đến không được áp dụng trong trường hợp sau đây:
Hậu quả của việc áp dụng pháp luật nước ngoài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam;
Nội dung của pháp luật nước ngoài không xác định được mặc dù đã áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật tố tụng.
Trong trường hợp quy phạm xung đột trong điều ước quốc tế và quy phạm xung đột trong luật Việt Nam cùng điều chỉnh một quan hệ hoặc một nhóm quan hệ nhất định mà khi giữa các quy phạm xung đột này có sự khác biệt thì ưu tiên áp dụng quy phạm trong điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Ví dụ: Công ty A của Việt Nam kí kết hợp đồng xuất khẩu gạo cho công ty B của Nhật Bản, địa điểm giao hàng tại cảng Hải Phòng.Trong hợp đồng hai bên có thỏa thuận, nếu có tranh chấp xảy ra thì sẽ áp dụng pháp luật của Nhật Bản để giải quyết. Căn cứ theo khoản 2 Điều 5 Luật Thương mại 2005 quy định: “Các bên trong giao dịch thương mại có yếu tố nước ngoài được thoả thuận áp dụng pháp luật nước ngoài, tập quán thương mại quốc tế nếu pháp luật nước ngoài, tập quán thương mại quốc tế đó không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”. Như vậy, trường hợp này nếu pháp luật của Nhật Bản không trái với các nguyên tắc cơ bản của Việt Nam thì sẽ được áp dụng để giải quyết tranh chấp.
d, Khi cơ quan có thẩm quyền xác định luật nước ngoài là hệ thống pháp luật có mối liên hệ gắn bó nhất.
Quyền thoả thuận chọn luật áp dụng trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài được quy định tại khoản 2 Điều 664 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015: “Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam có quy định các bên có quyền lựa chọn thì pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo lựa chọn của các bên”
Thông thường , việc xác định luật áp dụng để điều chỉnh quan hệ tư pháp quốc tế sẽ do các quy phạm xung đột quy định , hoặc do các đương sự thoả thuận lựa chọn khi được phép.
Tuy nhiên , nếu các trường hợp trên đã được xem xét mà vẫn không xác định được luật áp dụng thì một giải pháp nữa đã được quy định để khắc phục tình trạng này , đó là luật áp dụng sẽ là pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất theo xác định của cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc. Nếu pháp luật có mối liên hệ gắn bó nhất với quan hệ là pháp luật nước ngoài thì pháp luật nước ngoài đó sẽ được áp dụng
. Đây là một quy định mới đảm bảo sẽ luôn xác định được pháp luật áp dụng để giải quyết vụ việc.
Ví dụ: Ông X là Việt kiều sống tại Mĩ, ông X có hai người con là Y và Z công dân Việt Nam. Trong những năm còn sống , ông làm việc và sinh sống ở nhiều quốc gia. Năm 2019, ông X qua đời tại Mĩ để lại khối di sản gồm 3 mảnh đất và số tiền 1 triệu USD tại New York. Năm 2020, Y và Z yêu cầu tòa án thành phố Hà Nội chia di sản thừa kế ông X để lại. Sau khi xác minh, tòa án xác định, nước Mĩ là nước ông X có mối quan hệ gắn bó nhất trước khi chết vì vậy phải áp dụng pháp luật Mĩ để giải quyết vụ án.
Bài viết cùng chủ đề Áp dụng pháp luật nước ngoài trong tư pháp quốc tế:
Phân tích hạn chế trong quyền lựa chọn pháp luật áp dụng
Trên đây là tư vấn của luatthanhmai về chủ đề Áp dụng pháp luật nước ngoài trong tư pháp quốc tế (Phân tích chi tiết). Nếu có thắc mắc hay vấn đề cần được tư vấn vui lòng liên hệ email: luathanhmai@gmail.com để được luật sư tư vấn hỗ trợ miễn phí.