Bài viết phân tích chi tiết vấn đề Áp dụng hệ thuộc luật có mối liên hệ gắn bó nhất trong tư pháp quốc tế
Hệ thuộc luật có mỗi quan hệ gắn bó nhất
1. Nguyên tắc xác định pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài
Tại khoản 3 Điều này quy định: “Trường hợp không xác định được pháp luật áp dụng theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài đó”.
Bộ luật dân sự năm 2015 đã bổ sung thêm nguyên tắc áp dụng pháp luật có mối liên hệ gắn bó nhất với mối quan hệ đó để xác định pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Việc quy định bổ sung nguyên tắc áp dụng pháp luật có mối liên hệ gắn bó nhất để làm cơ sở xác định pháp luật áp dụng trong trường hợp không xác định được pháp luật áp dụng nhằm để thuận lợi cho cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là cơ quan xét xử trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài. Về bản chất, các hệ thuộc luật được dẫn chiếu đến trong các quy phạm xung đột là hệ thuộc luật có quan hệ gắn bó nhất đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài đó và thường đã được chỉ rõ (ví dụ: theo hệ thuộc quốc tịch, nơi thường trú… tùy theo từng quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài cụ thể). Tuy nhiên, do quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài rất đa dạng nên trong nhiều trường hợp pháp luật chưa quy định hết được các hệ thuộc luật áp dụng. Cách quy định này sẽ đảm bảo độ mềm dẻo cần thiết để cơ quan xét xử có
thể xử lý linh hoạt các vụ việc phát sinh trên thực tế, tránh tình trạng áp dụng trực tiếp pháp luật Việt Nam mà không có căn cứ , đồng thời cũng thể hiện sự hội nhập của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Đây cũng là cách tiếp cận được nhiều nước sử dụng khi xây dựng các quy phạm xung đột của nước mình và cũng được sử dụng trong một số điều ước quốc tế có quy định về xung đột pháp luật.

2. Căn cứ xác định pháp luật áp dụng đối với người không quốc tịch, người có nhiều quốc tịch
Hệ thuộc luật nhân thân được coi là hệ thuộc chủ đạo để xác định pháp luật áp dụng đối với người nước ngoài. Tuy nhiên, trong trường hợp cá nhân tham gia vào quan hệ dân sự lại là người không quốc tịch hay người có nhiều quốc tịch thì việc áp dụng hệ thuộc này có những trường hợp sẽ gặp rất nhiều những khó khăn. Chính vì thế, trong Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định đến việc sử dụng hệ thuộc luật có mối liên hệ gắn bó nhất để xác định pháp luật áp dụng đối với người không quốc tịch hay người có nhiều quốc tịch.
Thứ nhất, đối với người không quốc tịch, pháp luật áp dụng là “pháp luật của nước nơi người đó cư trú vào thời điểm phát sinh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Nếu người đó có nhiều nơi cư trú hoặc không xác định được nơi cư trú vào thời điểm phát sinh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước nơi người đó có mối liên hệ gắn bó nhất” (khoản 1 Điều 672). Hệ thuộc luật quốc tịch và hệ thuộc luật nơi cư trú thường được áp dụng để điều chỉnh các quan hệ liên quan đến nhân thân của các bên chủ thể. Do sự gắn kết giữa hai hệ thuộc này nên trong trường hợp một trong các bên là người không quốc tịch, trường hợp người đó có nhiều nơi cư trú hoặc không xác định được nơi cư trú vào thời điểm phát sinh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước nơi người đó có mối liên hệ gắn bó nhất.
Như vậy, bên cạnh sự thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 760 Bộ luật Dân sự năm 2005, Điều 672 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã sửa đổi là nếu không xác định được nơi cư trú áp dụng pháp luật nơi người đó gắn bó nhất thay vì trực tiếp áp dụng pháp luật Việt Nam như luật cũ. Sự sửa đổi này vừa phù hợp với tính chất mối quan hệ vừa đảm bảo tính khách quan và sự bình đẳng giữa các hệ thống pháp luật – một nguyên tắc quan trọng của tư pháp quốc tế.
Thứ hai, đối với người có nhiều quốc tịch thì “pháp luật áp dụng là pháp luật của nước nơi người đó có quốc tịch và cư trú vào thời điểm phát sinh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Nếu người đó có nhiều nơi cư trú hoặc không xác định được nơi cư trú hoặc nơi cư trú và nơi có quốc tịch khác nhau vào thời điểm phát sinh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước mà người đó có quốc tịch và có mối liên hệ gắn bó nhất” (khoản 2 Điều 672). Pháp luật nước được coi là gắn bó nhất sẽ được xác định theo từng trường hợp, hoàn cảnh, từng loại quan hệ nhất định. Chẳng hạn đó có thể là nơi tồn tại bất động sản trong quan hệ sở hữu, nơi ký kết hợp đồng trong quan hệ hợp đồng,…
Bài viết cùng chủ đề Áp dụng hệ thuộc luật có mối liên hệ gắn bó nhất:
Phân tích các hệ thuộc luật cơ bản trong tư pháp quốc tế
Bình luận nguyên nhân dẫn đến xung đột pháp luật
Trên đây là tư vấn của luatthanhmai về chủ đề Áp dụng hệ thuộc luật có mối liên hệ gắn bó nhất (Chi tiết). Nếu có thắc mắc hay vấn đề cần được tư vấn vui lòng liên hệ email: luathanhmai@gmail.com để được luật sư tư vấn hỗ trợ miễn phí.